Họ nhìn thấu nhau, tất cả chỉ là sự cảm thông hoàn toàn trong một tích tắc, vậy mà, khoảng khắc này đủ cho họ sống êm đềm đến chín, mười năm.

(Trương Ái Linh ngữ lục)

Nhất niệm hoa khai, nhất niệm hoa tàn. Đời người non rộng sông dài này, cuối cùng vẫn cần chính mình đi tiếp. Trên con đường đời, con người phải không ngừng cứu rỗi bản thân. Không phải bạn mỏi mệt, là sẽ có một cái ổ ấm áp; không phải bạn khát, là sẽ có dòng suối nước chảy róc rách; không phải bạn lạnh, là sẽ có một lò sưởi rực hồng. Nội tâm của mỗi con người, đều có những vết thương sâu kín mà không ai hay biết, đợi thời gian khôi phục nguyên trạng mà thôi.

Khi Trương Ái Linh suy sụp, cô từng tìm kiếm sự giúp đỡ, lựa chọn này nhìn tưởng chừng thấp kém, nhưng lại không hề ảnh hưởng đến sự cao quý của cô. Rất mau chóng cô đã nhận được hồi đáp của trại văn nghệ, họ đồng ý tiếp nhận cô. Trương Ái Linh bấy giờ giống như một chiếc thuyền cô lẻ, trên bờ sông thênh thang, tìm được một chiếc bến có thể tạm thời neo đậu. Trung tuần tháng ba năm 1956, Trương Ái Linh đi tàu hỏa từ New York đến Boston, rồi lại chuyển sang đi xe bus đến New Hampshire tươi đẹp, đi vào thị trấn Peterbug. Hành trình dài này, đối với Trương Ái Linh mà nói, cho dù vất vả, nhưng trong lòng vẫn có chỗ trông đợi.

Nhớ lại bộ phim truyền hình Chuyện cũ Thượng Hải, diễn viên Lưu Nhược Anh thủ vai Trương Ái Linh, xách một chiếc va li da đơn giản, một mình loạng choạng đi trên tuyết. Một chiếc áo khoác, thần sắc lạnh nhạt, thế giới của cô đã im bặt âm thanh, còn chúng ta lại rơi lệ vì cô. Cô vẫn mặc sườn xám như xưa, chỉ là không còn trang điểm hoa, đóa mẫu đơn sum suê, mà nay đổi thành đóa hoa trắng giản đơn. Chúng ta nhìn thấy Trương Ái Linh quay người, ngày hôm qua phồn hoa như tuyết, mà ngày nay đã cách biệt nghìn trùng. Thứ cô để lại, chỉ là sự lạnh lẽo và cô đơn.

Khi đến trại văn nghệ MacDowell, trời đã ngả tối, ánh đèn dìu dịu hắt ra qua những ô cửa sổ của những căn nhà. Trương Ái Linh cảm thấy sự ấm áp đã lâu không gặp, yên tĩnh mà êm dịu. Trang viên châu u xinh đẹp này, có mấy chục phòng sáng tác của các nghệ sỹ độc lập, có thư viện, ký túc xá và cả đại sảnh công cộng. Những căn nhà này, hoặc được xây dựng trên đồng cỏ bằng phẳng, hoặc xây trong rừng, không gian thanh nhã, yên tĩnh thoái mái.

Nghe nói người sáng lập là quả phụ của một nhạc sĩ, hành động từ thiện này của bà đã giúp vô số nghệ nhân lang thang trên thế giới, có được một chỗ ở yên thân. Nơi đây đã thu nhận Trương Ái Linh, giúp linh hồn phiêu bạt của cô có chỗ trú ngụ. Một căn nhà gỗ, một phòng làm việc, giản đơn mà ấm áp. Khí hậu trong núi cực lạnh giá, tuyết rơi không ngừng, nhưng nơi đây cách xa huyên náo hồng trần, thích hợp với việc cầm bút.

Một chiếc lò sưởi, một tách cà phê, một linh hồn mỏi mệt lười biếng. Trương Ái Linh chỉnh đốn lại cảm xúc, dự định bắt đầu tìm lại bản ngã trong văn chương. Kế hoạch sáng tác của cô là viết một bộ tiểu thuyết bằng tiếng Anh, có tựa đề là Pink Tears, đây chính là cuốn Oán nữ được xuất bản sau này. Tác phẩm này là bản mở rộng của Cái gông vàng, năm đó Cái gông vàng làm mưa làm gió Thượng Hải, đưa cô lên đỉnh cao. Trương Ái Linh có lòng tin vào việc chỉnh sửa lại câu chuyện này, để những quá khứ rực rỡ từng bị vùi lấp bởi thời gian được tái hiện giữa nhân gian.

Trang viên yên tĩnh này có thời gian ăn cơm cố định, cũng có thể tùy ý giao lưu với bạn bè. Lúc bấy giờ, Trương Ái Linh rất lặng lẽ, cô đã quen với việc một mình yên tĩnh sáng tác dưới khung cửa sổ của căn nhà gỗ. Khi mệt mỏi, cô ngắm nhìn rừng núi tĩnh mịch và sáng sủa bên ngoài, ngắm nhìn những động vật vui vẻ nhảy nhót, Trương Ái Linh tìm được một cảm giác yên bình êm ả như thể trút bỏ mọi trang sức bề ngoài, trở lại trạng thái chất phác ban đầu. Đêm lạnh như nước, một vầng trăng sáng, treo trên ngọn cây, ánh trăng bàng bạc, khiến cô nhớ đến hình dáng của ngôi nhà cũ ở Thiên Tân thưở ấu thơ. Không biết vầng trăng trên Bến Thượng Hải, có còn chìm đắm trong hồng trần hỗn loạn, tự mình vui say như cũ hay không? Chỉ là những người đã từng bên cạnh nhau, nay đã sống chết mù mịt, không biết tìm đâu.

Thế giới tình cảm của tài nữ Dân Quốc Trương Ái Linh chắc chắn sẽ không đơn giản như thế. Cho dù cô của lúc ấy tránh xa rối rắm phức tạp, thì vận mệnh vẫn có thể dành cho cô một sự sắp đặt không tầm thường. Không phải là cô phỉnh phờ lấy lòng quần chúng, không phải cô kinh sợ thế tục, không phải là cô cô đơn khó nhẫn nhịn, mà là Nguyệt Lão xe nhằm chỉ hồng, là số phận không hiểu chuyện tình yêu. Cũng ở nơi này, Trương Ái Linh đã gặp được người đàn ông thứ ba trong cuộc đời cô, một ông già tuổi ngoài sáu mươi người Mỹ – Ferdinand Reyer. Nếu nói Hồ Lan Thành là khắc cốt ghi tâm của Trương Ái Linh, Tang Hồ là mây khói thoảng qua của Trương Ái Linh, vậy thì Reyer hẳn là bãi biển nương dâu của cô.

Reyer là hậu duệ của di dân nước Đức sang Mỹ, hồi trẻ ông cũng được coi là thiên tài văn học. Con người ông tính tình phóng khoáng, tri thức uyên bác, xử sự hào phóng. Ông đã từng kết hôn, có một con gái. Nhưng người bản tính thích tự do như ông, không thích hợp với sự ràng buộc của hôn nhân, về sau ông ly hôn. Từ đấy, cuộc sống của ông càng thêm phần tùy hứng thoải mái, chu du các nước, viết lách sinh nhai.

Reyer có tài năng văn học thiên phú, nhưng lại không thể nhào nặn con chữ, đưa văn chương của mình đến cảnh giới đỉnh cao. Đặc biệt là khi qua tuổi sáu mươi, các phương diện sức khỏe và tài hoa, cũng với kinh tế, vận may… của ông đều xuống dốc, thậm chí ông từng bị gãy chân, mấy lần trúng gió. Đến với trại văn nghệ MacDowell, ông hy vọng khi tuổi tác già đi nhưng vẫn có thể lần nữa làm sống lại hào quang trong văn học, nhưng không ngờ, vận mệnh lại mang đến cho ông một ân sủng bất ngờ. Vào những năm tháng tuổi già, ông may mắn quen được tài nữ Trung Quốc Trương Ái Linh, sau đó cô còn làm bạn với ông đến hết cuộc đời.

Khi gặp nhau, Trương Ái Linh ba mươi sáu tuổi, có thể nói là thời điểm tài hoa đương thịnh. Còn Reyer sáu mươi lăm tuổi, đương lúc như nến tàn trước gió. Có lẽ rất nhiều người đều không hiểu, Trương Ái Linh cao quý xinh đẹp, tại sao lại cần một ông già ngoại quốc bệnh tật nghèo túng như thế, rốt cuộc ông có điểm gì đáng để cho cô yêu quý như vậy, trả giá đến vậy. Một người cô độc cao ngạo như Trương Ái Linh, tuyệt đối không thể vì quá cô đơn, mà dễ dàng giao phó bản thân cho một người đàn ông. Huống hồ, cô đã từng bị tổn thương sâu sắc, huống hồ, cô đã từng nói, đời này cũng không thể tiếp tục lại yêu người khác nữa. Đạo diễn trẻ tuổi đa tài Tang Hồ, cô còn không cần, vậy hà cớ lại chọn Reyer?

Nhưng họ đã sưởi ấm cho nhau trong những ngày gió to tuyết lớn, giữa rừng núi mênh mông tuyết trắng như thế. Ông già tóc bạc này, luôn vận một bộ đồ trắng, có chút phong độ của một quý ông. Cách ông bàn luận cao xa, nói chuyện hài hước dí dỏm đã cảm nhiễm người phụ nữ Trung Quốc trầm mặc ít nói này. Thế nên, họ bắt đầu qua lại, cùng nói chuyện văn hóa, chuyện đời, chuyện trải nghiệm, càng nói càng thấy hợp nhau. Reyer là một người có trái tim trẻ thơ, ông kể cho Trương Ái Linh nghe rất nhiều chuyện kỳ thú mà ông đã từng trải qua hồi còn trẻ, những câu chuyện ấy luôn khiến cô say mê, vui vẻ mãi không thôi.

Đã bao lâu cô chưa từng nở một nụ cười từ tận đáy lòng như thế này, bản thân cô cũng không biết nữa. Từ khi rời Thượng Hải, cô như một cánh bèo lênh đênh, trải qua cuộc sống vô gia cư. Cô thực sự cô đơn, nhưng cô không phải là người tùy ý kiếm người để dốc bầu tâm sự, tùy ý dựa dẫm là có thể sưởi ấm trái tim. Cô cần sự hòa hợp về tâm hồn, cần cái nắm tay chân thành.

Reyer là một người thông thái, điềm đạm, là một người già tốt bụng có tâm hồn trẻ thơ. Tư tưởng phong phú của ông, chính là tài sản lớn nhất. Mà chính những điều này khiến Trương Ái Linh rung động. Người phụ nữ gần như tàn úa này, nguyện vì ông một lần nữa bừng nở. Có lẽ không còn khuynh thành, không còn tuyệt đỉnh nữa, nhưng cô không hề hối hận.

Họ ở bên nhau, dựa vào nhau tìm hơi ấm trong căn nhà gỗ. Không có ai muốn phỏng đoán, giữa họ thực sự có tình yêu hay không. Trương Ái Linh từng nói: “Tình yêu khiến con người lãng quên thời gian, thời gian cũng khiến con người lãng quên tình yêu”. Có lẽ khi ấy, Trương Ái Linh đã quên hết tất cả phàm trần từ lâu, cô chỉ là người phụ nữ cô đơn, cần một người đàn ông thấu hiểu mình. Cô không cần giải thích với bất cứ người nào, chỉ cần chính bản thân cô hiểu là được rồi. Cô cũng bằng lòng dũng cảm gánh vác, vì tất cả mọi điều đã làm.

Có người nói, vì tương lai mờ mịt của mình, Trương Ái Linh lờ mờ cảm thấy lo lắng. Đối mặt với sự khốn đốn về đủ mặt, cô chọn Reyer làm chỗ dựa. Thật sự là như thế sao? Người phụ nữ cao ngạo giống như cô, sao có thể để bản thân sa vào tình cảnh ấy? Cứ cho là cô cần tìm một chỗ dựa vững chắc, thì cũng không cần chọn Reyer.

Với hoàn cảnh hiện tại, Reyer không thể đem lại cho Trương Ái Linh sự yên ổn thực sự. Sau này, khi nương tựa vào nhau suốt mười năm trời, tất cả đều dựa vào mình cô bôn ba kiếm sống, toàn tâm toàn ý chăm sóc cho ông. Có thể nói, Reyer thật may mắn, trong những năm cuối đời bi thảm, lại có được Trương Ái Linh bầu bạn. Còn Trương Ái Linh mặc dầu phải trả giá bằng vô số gian khổ cho mối tình cảm này, nhưng trong trái tim cô lại không thấy trống trải. Thứ hạnh phúc nghèo khổ này, so với tổn thương hoa lệ mà Hồ Lan Thành mang lại, còn ngọt ngào và ấm áp hơn trăm vạn lần.

Trương Ái Linh nói: “Chúng tôi rất gần gũi, còn chưa nói hết câu đã hiểu được rất nhiều”. Cô và Reyer ngầm thấu hiểu nhau, chính là vì sự ngầm hiểu này, mà họ đã quyết định đến với nhau. Một người đã từng có đời sống phức tạp, sau này, lại nguyện sống những ngày đơn giản, tĩnh lặng. Cô không còn muốn thứ tình yêu hoa nở trĩu cành nữa, người đàn ông đã từng hứa với cô kiếp này bình yên đã chạy trốn từ lâu. Còn ông già của hiện tại này, lại mang đến cho cô cảm giác chân thực bình dị.

Kỳ thực, trước đây Trương Ái Linh chỉ muốn có một chỗ dựa đơn giản, và không hề tính toán sẽ kết hôn với Reyer. Còn Reyer luôn coi bốn bể là nhà, đã quen với cuộc sống đơn thân, cũng chưa từng muốn dừng chân vì một phụ nữ nào đó. Cho nên khi hết kỳ hạn lưu trú ở trại văn nghệ, Reyer cũng đành rời đi. Khi đi, ông không đưa ra bất cứ lời hẹn thề nào, còn lúc tiễn ông, Trương Ái Linh đưa cho ông số tiền ít ỏi của mình. Reyer đến cư trú tại một trại văn nghệ khác ở phía Bắc New York, vẫn sống cuộc sống lãng tử như cũ.

©STENT

Lúc chia tay, họ chưa từng nghĩ mình sẽ gặp lại. Bởi vì, hai cánh bèo trôi, trôi dạt trên dòng nước thời gian, ai biết được khi nào có thể tái hợp? Thế nhưng, số phận đã định họ phải ở bên nhau, Trương Ái Linh kinh ngạc phát hiện ra mình mang thai. Cô báo tin này cho Reyer, Reyer phấn khích vô cùng, nhưng cũng lần lữa mãi. Bởi với tình cảnh hiện tại, ông thực sự không gánh được mối họa bất ngờ này, nhưng ông cảm thấy mình nên chịu trách nhiệm. Mà Trương Ái Linh đúng là một phụ nữ xinh đẹp, đáng yêu, tốt bụng, thế nên, ông viết thư cầu hôn cô.

Một lần nữa, Trương Ái Linh lại thu xếp hành lý khởi hành chặng đường dài, lần này đồng hành cùng cô, còn có bào thai trong bụng. Họ đi đến gặp một người đàn ông ốc còn chẳng mang nổi mình ốc, dẫu cho Reyer bằng lòng chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm này ông gánh nổi không? Trước nhân tình thế thái ấm lạnh, đến cả những ngày ngư tiều canh độc[1], ngồi ngắm mây lên, đều không thể bình thản có được. Dẫu cho phía trước có biết bao nhiêu mờ mịt, Trương Ái Linh chỉ có thể men theo tháng năm dài và hẹp này để đi tiếp. Đi đến nơi có người ấy, cùng người ấy chia sớt ấm lạnh vui buồn.

[1] Ngư tiều canh độc: Đánh cá, kiếm củi, cày ruộng, đọc sách là lối nói ẩn dụ về cuộc sống ẩn dật bình thường giản dị của người xưa.