Nói đúng ra, đây là lần đầu tiên Kế Duyên nhìn thấy biển cả thực sự trong đời.

Sắp đến gần đường bờ biển, Kế Duyên chỉ đảo nhanh qua khu vực nội địa và làng mạc tại vùng duyên hải rồi tiếp tục bay vào phạm vi hải dương.

Dù không còn là người thường như kiếp trước, hắn của hiện tại vẫn có cảm giác bản thân nhỏ bé trước đất trời mênh mông khi bay lơ lửng nơi tầng không nằm giữa trời và biển.

Lúc này, Kế Duyên cố ý hạ độ cao để bản thân thấp hơn những khóm mây. Bên dưới có biển xanh cuồn cuộn, phía trên là gió thổi mây bay. Vì phá không mà đi với một tốc độ chóng mặt, thậm chí hắn còn có ảo giác như mình bị kẹp ở giữa hai dòng biển vậy.

Nhưng càng thoải mái, Đạo uẩn trên người hắn càng không thể áp chế. Tuy vậy, Kế Duyên vẫn chăm chăm bay về hướng Đông, không hề thay đổi lộ trình dù đối mặt với biển cả mênh mông phía trước.

Không bao lâu sau, một hòn đảo nhỏ thích hợp xuất hiện trong tầm mắt của hắn. Từ không trung, Kế Duyên dùng pháp nhãn quan sát toàn bộ khu vực bên dưới. Ngoại trừ thảm thực vật, chim muông và các loài động vật nhỏ ra, hòn đảo này là một vị trí rất thích hợp khi không hề có người hay các loại động vật to lớn ẩn nấp.

Dù nói đây là một hòn đảo nhỏ nhưng thật ra nó cũng không quá nhỏ so với khu vực đất liền. Ít ra, nơi này đủ chỗ cho cả một dãy núi với hơn mười đỉnh núi. Trong số đó, có một vài ngọn núi cao chót vót, dốc dựng đứng cao hàng trăm trượng, trên cùng là đỉnh núi bén nhọn được hình thành từ tự nhiên.

Trong lúc vẫn còn đang cỡi mây tiến đến, Kế Duyên quét mắt qua các các ngọn núi trên hòn đảo nhỏ, cuối cùng chọn lựa một nơi.

“Ông...”

Thanh Đằng kiếm chấn động nhẹ, tạo ra một tiếng ngân vang, sau đó tiên phong bắn thẳng về trước, cuối cùng đã bay đến đảo nhỏ trong chớp mắt.

“Keng...”

Tiên kiếm phóng khỏi vỏ, xuất ra kiếm quang ngay tại một ngọn núi có rất nhiều đá tảng xung quanh. Tại đỉnh núi cao nhất, một phần đá nhọn bị ánh kiếm ấy cắt đứt đi một phần. Sau đó, kiếm quang khuấy động, chấn nát khối đá đang rơi xuống vì bị cắt kia, biến nó thành từng vụn đá nhỏ phiêu tán theo cơn gió.

Cuối cùng, vị trí vừa rồi trở thành một chiếc bồ đoàn đá với mặt phẳng vuông vức. Sau vài nhịp thở, hai chân của Kế Duyên cứ thế mà rơi xuống trên đó.

Nhìn đi nhìn lại, Kế Duyên vô cùng hài lòng với vị trí này. Suy nghĩ một hồi, hắn bèn cởi bỏ bộ áo choàng trắng trên người, khoác lên bộ áo bào màu xám kia, sau đó ngồi xếp bằng ngay tại chỗ.

Khép hờ mắt lại, giữ thần hồn tại huyền quan, hắn hít một hơi, nối liền sự tuần hoàn giữa thế giới bên trong cơ thể và trời đất bên ngoài, bắt đầu cảm ngộ tu hành.

Mặt trời mọc rồi lặn, thủy triều lên xuống, phong vân biến ảo, ấm lạnh thay phiên...

Cũng không phải là Kế Duyên mặc kệ mọi chuyện bên ngoài; ngược lại, hắn vô cùng nhạy cảm với những sự biến hóa của thế giới xung quanh. Dù đó là sấm sét vang dội hay gió táp mưa sa, hắn đều cảm nhận sự biến hóa của những hiện tượng đó, thậm chí còn ngẩng đầu quan sát bầu trời đầy sao lúc đêm về.

Tuy nhiên, dường như trông Kế Duyên lại có vẻ cực kỳ chậm chạp, không hề phản ứng lại với bất kỳ sự biến hóa nào. Dù mưa ướt đẫm thân hay sấm chớp giăng kín người, hắn cũng không có bất cứ cử động thừa thãi nào, vì tinh thần đã tiến vào trạng thái vong ngã, còn dáng hình lại như một gã ngu ngơ.

Thời gian từ từ trôi qua, cảm giác đến từ “Vân Trung Du Mộng” trong tâm tan biến dần nhưng lại lan rộng ra khắp cơ thể. Ngũ khí trong cơ thể Kế Duyên xao động mạnh như sự thay đổi của thời tiết vậy, khi thì mây mù vần vũ, khi thì trời trong gió mát - ngũ khí tuần hoàn, chuyển động tương sinh lẫn nhau.

Và khi sự xao động của ngũ khí đạt đến đỉnh cao, trạng thái bị ảnh hưởng bởi phong vân bốn mùa của Kế Duyên dần dần chuyển thành bản thân hắn ảnh hưởng đến xung quanh. Một loại ý thức điềm tĩnh, thờ ơ lạnh nhạt tựa gió nhẹ thổi, mây hờ hững trôi từ thân thể Kể Duyên dần dà truyền đi xa từ đỉnh núi.

...

Mặc dù Tổ Việt quốc và Đại Trinh mâu thuẫn với nhau, nhưng về cơ bản đều sử dụng một phương pháp tính lịch tương tự Đại Trinh. Nói cách khác, đây là do xuất phát từ những triều đại ngược dòng lịch sử cách đây rất lâu, khi mà vương triều Đại Chu vẫn còn là rất nhiều nước nhỏ.

Bốn mùa thay đổi, vào mùa thu của năm Nhâm Thìn, cũng chính là năm thứ tư mà Kế Duyên ngồi tu hành trên đảo. Lúc này, đang có một cơn bão đang quét qua vùng biển ngoài khơi.

Thế giới này không có dự báo thời tiết, không có thông tin liên lạc toàn cầu và cũng không có ai đưa ra cảnh báo bão cho các tàu đi biển. Do đó, một số tàu thuyền đi biển xa đôi khi gặp phải thời tiết xấu đột ngột thế này. Đây là một vấn đề nan giải kép cho cả bản thân tàu thuyền và đoàn thủy thủ.

Nói chung, thuyền đánh cá không đi đánh cá quá xa bờ. Có hai nguyên nhân, một là do chưa có phương pháp bảo quản cá đúng đắn, trong khi khoang thuyền không đủ rộng để chứa cá tươi, và lý dó còn lại là tính chất nguy hiểm.

Tuy nhiên, luôn có những trường hợp ngoại lệ. Đôi khi không hốt được mẻ nào khá khẩm ở mực nước gần bờ, một số thuyền đánh cá lớn bèn tập trung khá nhiều ngư dân lại để cùng nhau ra khơi. Họ dùng khoang thuyền để nuôi sống mấy loài cá đắt giá, nếu không đủ chỗ nuôi thì mang đi tẩm gia vị làm khô luôn.

Rủi ro luôn luôn tỷ lệ thuận với lợi nhuận, và một chuyến đánh bắt xa bờ thường có thể dẫn đến một vụ mùa bội thu.

Bắt đầu từ mùa hè năm nay, thôn Tiền Cảng và thôn Thiên Loan đã không thể đánh bắt được bất cứ loại cá nào tại mấy khu vực gần bờ. Hết cách, hai thôn làng đành tổ chức một đội đông người, cùng nhau dùng thuyền lớn đi đánh cá ở vùng xa.

Nhưng lần này, sự may mắn không hề đứng về phe sáu chiếc thuyền đánh cá to tướng của thôn Tiền Cảng và thôn Thiên Loan. Chưa đánh bắt được bao nhiêu hải sản, thế mà bọn họ đã bị mắc kẹt ngoài khơi vì cơn bão ập vào.

Lúc này, mưa gió đang hoành hành trên biển, “Ầm ầm...” Sấm sét đánh tới, khiến thuyền viên chẳng thể nào la hét được, mà có la hét thì cũng chẳng ai nghe.

“Đùng... bộp bộp bộp...”

Sóng lớn vỗ vào mạn, khiến nhóm ngư dân trên thuyền đều ngã nghiêng ngã ngửa. Thuyền trưởng nắm chặt vào bánh lái để điều khiển hướng đi của thuyền, suýt nữa là bị hất văng đi rồi.

“Chúng ta phải làm bây gì? Chẳng lẽ phải chết thật ư?”

Một số ngư dân trẻ tuổi vội vàng hét to về phía đồng nghiệp của mình. Họ quan sát tình hình xung quanh. Một số thuyền khác dập dìu lên xuống, trong khi lại chẳng thấy một số chiếc thuyền còn lại đâu, có lẽ đã chìm luôn rồi.

Thậm chí có thuyền còn chưa kịp hạ buồm, trông cực kỳ nguy hiểm.

“Câm miệng! Cố lên nào!”

“Ầm ầm...”

“A...!!!”

Sóng lớn ập đến, cả chiếc thuyền đánh cá đổ về một bên. Có một người bị hất văng ra khỏi thuyền, nhưng rủi thay khi tất cả các ngư dân còn chưa vào khoang thuyền lại đang bám chặt lấy cột buồm, nào còn hơi sức đâu mà cứu gã kia.

“Nhanh lên! Nhanh lên! Sóng lớn lại tới rồi...”

Một người nào đó rống to lên, nhưng giọng nói quá nhỏ so với cơn gió mưa ngập trời và sóng biển gầm rú trên biển.

“Ầm ầm... Lộp bộp lộp bộp...”

Con tàu lắc lư từ trái sang phải liên tục, suýt nữa là bị lật hoàn toàn. Mọi đồ vật trong khoang đều ngã đổ tứ lung tung. Những người trốn trong khoang giống như những viên xúc xắc trong bát cờ bạc, vừa bị trúng đầu vào vách thuyền, vừa cố giữ cho bản thân không bị đồ gia dụng va đập phải.

Con người thật nhỏ bé nhỉ? Còn chẳng bằng một nhánh lục bình giữa sự uy nghiêm của thiên địa thế này, ngộ nhỡ mà rơi xuống nước là chết chắc.

Không những thế, thuyền trưởng mới là những người gánh chịu sự căng thẳng và nguy hiểm nhất. Thứ mà họ muốn cứu không chỉ là mạng sống của mình mà là sinh mạng của tất cả thuyền viên.

Trong lúc liên tục lau nước khỏi mặt mình, một người đàn ông đang tự trói chặt mình vào vị trí quan sát của thuyền đột nhiên trông thấy một hòn đảo trong tầm mắt. Ngay lập tức, gã hét lên điên cuồng với người thuyền trưởng.

“Trương gia!!! Trương gia!!! Có một hòn đảo ở đằng kia!”

Thuyền trưởng của con thuyền này là một người đàn ông lớn tuổi, đã mọc râu hoa râm nhưng thân thể khá cường tráng với hình ảnh từng thớ cơ bắp của gã run lên trong lúc điều khiển bánh lái. Đồng thời, gã còn quan sát khắp bốn hướng, cố gắng hết sức để lèo lái con thuyền không phải bị lật nhào trong đợt sóng tiếp theo.

Tất nhiên, gã cũng thấy hòn đảo ở kia. Thế nhưng mà, độ dốc thoai thoải của hòn đảo kia quá ít trong khi dốc đứng lại cực cao. Lúc này, nếu cứ thế mà lái thẳng vào, thuyền sẽ tông vào vách đá nếu bị gió tạt ngang, thế là cả đoàn đều chịu cảnh tan xương nát thịt. Thậm chí nếu có thể luồn lách né được mấy vách đá, thuyền cũng dễ bị hư hại vì vướng đá ngầm, chỉ là chết theo một kiểu khác mà thôi.

“Trương gia... Lái thuyền về phía hòn đảo ấy đi!”

Một ngư dân khác hét lên; khi người ta gặp nạn như thế này trên biển, trông thấy một mảnh lục địa cũng giống như tìm thấy một cọng rơm cứu mạng vậy.

“Không được! Tự tiện lái tới, rõ ràng là chết chắc... Bên cạnh đó, ta cũng không thể lái qua...”

Trên đỉnh của một ngọn núi nào đó của hòn đảo, Kế Duyên đột nhiên mở mắt ra. Lúc này đang là thời điểm trời đất tối sầm khi cơn bão đang hoành hành dữ dội; nhưng dưới sự chiếu rọi của pháp nhãn, hắn thấy rõ đằng xa có mấy chiếc thuyền đang nhấp nhô trong mưa gió, và tất cả đều đang gặp nguy hiểm rành rành.

Mấy năm nay, Kế Duyên hiếm khi thấy chuyện tàu thuyền ra khơi xa đến vậy. Dù gì đi nữa, đây là do hạn chế về mặt kỹ thuật nên thuyền đánh cá và những phương tiện tương tự cũng không thể nào ra khơi xa được. Tuy cũng có trường hợp là thuyền chở hàng, nhưng hầu hết đều đi dọc theo bờ biển hoặc có đường thủy cụ thể.

Việc thiền định và lĩnh hội của Kế Duyên trong những năm qua có kết quả rất khả quan dù vẫn chưa hoàn thiện thực sự. Vốn dĩ không nên gián đoạn ngay lúc này, nhưng hành vi nhắm mắt làm ngơ nhìn hàng loạt những chiếc thuyền kia rơi vào nguy cơ như thế trong khi bản thân có năng lực cứu giúp chắc chắn không phải là đạo xử thế của Kế Duyên.

Phất tay áo bên phải lên, Kế Duyên lập tức hút vào một lượng lớn nước mưa từ khu vực xung quanh, sau đó tụ lại thành một quả bóng nước khổng lồ trong lòng bàn tay hắn. Tiếp theo, Kế Duyên vươn tay vào bên trong quả bóng nước, nhẹ nhàng chuyển động.

Toàn bộ pháp lực của Kế Duyên được điều động hòa cùng động tác của hắn. Pháp Ngự phong Ngự thủy chuyển hóa dần theo tâm niệm của hắn, trong khi Sắc lệnh đã hình thành trong miệng nhưng chưa được phát ra.

Lần này là bão lớn trên biển. Nếu Kế Duyên muốn nhanh chóng đánh tan nó, dù thi triển pháp Ngự phong Ngự thủy để dùng sự tinh xảo đối mặt với sức mạnh to lớn, thế thì cũng phải tiêu hao rất nhiều pháp lực, may mà đây không phải là kẻ Tiên, Yêu đang điều khiển thiên tượng, vẫn còn có thể khá thong dong khi đối mặt với chuyện này.

Quỹ đạo hoạt động của hai lòng bàn tay Kế Duyên ngày càng lớn, quả cầu nước lập khuếch tán trong chốc lát, tạo ra vài con chữ to lớn bằng sóng nước ở ngay vị trí quỹ tích đang lớn dần của đôi tay Kế Duyên.

“Định Phong, Tán Vân!”

Ngay sau đó, Kế Duyên đột nhiên phất tay áo, quét mạnh bốn chữ ấy về phía bầu trời.

Xoẹt...

Tựa như có một làn sóng đạo uẩn khuếch tán giữa hư vô, khiến cơn bão lớn xung quanh từ từ mất đi động lực và lớp mây đen dày đặc trên bầu trời cũng bắt đầu tan biến dần.

Những con thuyền lớn còn lắc lư vì sóng biển vẫn chưa yên ổn lại, nhưng những người trên tàu có thể cảm nhận rõ ràng sự biến hóa vừa xảy ra trong tích tắc.

Sóng nhỏ hơn, nhưng điều quan trọng là gió và mưa đã ngừng.

Không lâu sau, không gian mờ mịt lúc đầu cũng dần dần tản mác; mây mù trên đầu cũng tan biến đi. Ánh nắng chiều rọi xuống, phủ một cảm giác ấm áp lên đám người ngơ ngác trên thuyền.