Cả tuần nay Trường Đông vẫn nằm trong bệnh viện, chỉ có bố mẹ tôi và hai bác luân phiên túc trực bên cạnh anh ta, còn mỗi mình tôi không lấy một lần có mặt. Mẹ tôi không vui vì điều đó, tuy đã dùng đủ cách để tôi phải tới thăm Trường Đông nhưng tôi vẫn chối bay vì việc học, vì tôi bận cho kì thi tuyển sinh sắp tới của mình.

Thực ra tôi cũng muốn đến lắm , nhưng lại thấy bản thân dư thừa khi xuất hiện ở phòng bệnh kia, nhất là sợ đối mặt với Trường Đông bằng một trời tội lỗi.

Trưa hôm ấy vừa về tới nhà đã trông thấy bác gái và mẹ đứng quay lưng trong bếp nói chuyện với nhau, dù đã định lên phòng nhưng tôi vẫn găm chân đứng đấy. Những gì nghe được tôi còn nhớ rất rõ tới tận hôm nay, bao nhiêu tơ rối trong lòng chỉ đợi giây phút này mà đứt hẳn.

“Cô chú thấy Thục Linh thế nào? Mấy hôm nay nhìn con bé tận tình chăm sóc Trường Đông mà lòng tôi cũng vui lây vài phần theo đó. Nếu như Trường Đông thương yêu một con bé ương ngạnh, suốt ngày chỉ biết làm khổ nhau chắc cả nhà tôi không thể chấp nhận điều này.”

Mẹ tôi nghe bác gái hỏi liền trả lời, đúng hơn đang biểu thị sự đồng tình với suy nghĩ đó.

“Em cũng nghĩ vậy, Thục Linh vừa hiền vừa ngoan, nếu có thể ở bên cạnh Trường Đông thì còn gì bằng nữa? Nhìn con bé em lại thấy buồn lòng vì Mộc Đan, trước nay nó luôn cư xử như đứa trẻ con, làm việc chẳng bao giờ suy nghĩ trước sau cho đúng đắn.”

“Cô đừng trách cháu nó, việc học trên trường bận rộn nên không thể vào viện đấy thôi, tôi tin con bé rất lo lắng cho anh của mình.”

“Em chỉ mong như vậy, chỉ cần hai anh em nó hòa thuận với nhau.”

Mỗi câu lọt vào tai đều cỏ nửa phần sai nửa phần đúng, tôi chỉ nhếch môi cười lạnh lẽo rồi đi nhẹ lên cầu thang. Cửa sổ đã mở tung mà vẫn thấy trước mắt mình những mảng đen mù mịt, phòng bên kia đã mấy ngày không có chút hơi ấm của Trường Đông, bất giác tôi thấy trái tim thắt lại trong ngực mình. Hình như không ai biết chuyện xảy ra với anh ta là do tôi, càng không thể biết quan hệ hai chúng tôi đã thực sự thay đổi, không bằng mặt nhưng rất hợp lòng. Nhưng vậy thì đã sao? Có thay đổi được gì không? Bảo tôi bám lấy Trường Đông để dành lấy cho mình thứ tình yêu đó, thực sự lòng tự tôn và lương tâm không cho phép tôi làm được điều này.

Mẹ tôi nói đúng, tôi trước nay luôn cư xử như một đứa trẻ, tôi không biết suy nghĩ trước sau và khiến người khác phải phiền lòng. Nhưng mẹ cũng sai rồi, mẹ không biết thâm tâm tôi khổ sở thế nào đâu, tôi muốn tiến thêm một bước thì lại trượt ngã về sau, muốn đi nhanh hơn trước nhưng lại rẽ sai đường. Tôi sợ, cái cảm giác tình cảm của mình bị mọi người đem ra đong đo, cái niềm kiêu hãnh bấy lâu bị mọi người thương hại.

Nếu bố mẹ và hai bác biết một đứa ương ngạnh và thích làm khổ người khác như tôi đem lòng yêu mến Trường Đông sẽ thế nào? Có phải như những lời đã nói “…cả nhà tôi sẽ không thể chấp nhận được chuyện này.” không? Tôi thầm nghĩ, không lo lắng nhưng lại thấy nực cười cho bản thân. Trường Đông tốt như vậy, tôi lấy tư cách gì ở bên anh ấy?

Hôm nay Trường Đông xuất viện trở về, hai bác và Thục Linh cùng đi bên cạnh anh ta, chỉ mình tôi lấy cớ bận học thêm để trốn khỏi nhà không đứng chờ như bố mẹ. Tôi ngồi cả buổi chiều ở công viên, vẫn chiếc ghế đá đặt bên bờ hồ, đọc đi đọc lại cuốn tiểu thuyết vẫn chẳng nhớ nổi tên nhân vật là gì nữa. Bây giờ mà có cái gì cho vào miệng thì hay biết mấy, chỉ có như vậy đầu óc tôi mới lại minh mẫn hơn.

Cuối cùng cái dạ dày đang co bóp cũng buộc tôi phải đứng lên, tiệm bánh ở cách đây không xa nữa. Nhưng rồi khi cầm thứ mình muốn trên tay tôi vẫn không nuốt nổi, bỗng dưng lại nhớ ổ bánh mì ngày tôi đứng ở sân ga tiễn biệt Trường Đông. Ngày ấy tôi muốn đưa nó cho anh ta nhưng vẫn không thể, chiếc bánh hôm nay cũng chỉ mình tôi ăn, bật chợt thấy lòng mình hiểu ra điều gì đó.

Lúc tôi trở về người lớn đang ngồi hết ở phòng khách, chào hỏi mọi người tôi mới bước lên cầu thang. Ổ bánh mì mang từ cửa tiệm về đây đã lạnh ngắt, hình thù có phần nhăn nhúm hơn. Ở trong kia Trường Đông đang nằm dựa lưng vào giường, Thục Linh ngồi bên cạnh nhẹ nhàng bón từng thìa cháo, giây phút đó tôi mới nhận ra rằng anh ta không thể ăn được chiếc bánh trên tay tôi.

Nực cười chưa? Cũng không sao cả? Tôi chỉ đứng nhìn một lát rồi mở cửa phòng mình bước vào trong. Chậu xương rồng vẫn nằm bên ngoài kia, qua ô cửa sổ với những cái gai sắc nhọn nhất. Xương rồng mấy tuần không có nước vẫn xanh tốt, tại sao tôi không có Trường Đông lại phải làm khổ mình? Cuốc đời này tôi nợ anh ta một lời cảm ơn cũng được, một lời xin lỗi cũng không sao, không trả được cũng chẳng thế nào. Trường Đông sẽ không vì món nợ này mà trở nên thiếu thốn, tôi cũng không vì nó mà hành hạ bản thân, coi như chúng tôi chỉ có duyên tới đó.

Tôi không dám bước vào phòng bên cạnh, hằng đêm chỉ có thể trèo qua cửa sổ đứng bên ngoài hành lang. Cánh cửa kính bao giờ cũng kín bưng, rèm bên trong lại kéo rộng hết mức, thành ra dù ánh sáng rực rỡ bao nhiêu tôi vẫn chẳng thấy gì.

Kì thi tốt nghiệp năm ấy tôi tự mình đi, tự mình học, bản thân cũng chẳng muốn được người nào quan tâm. Thực ra không phải như vậy, chỉ là tôi thi tại trường, mà tốt nghiệp phổ thông cũng không có gì khó, thành ra bố mẹ vẫn rất tin tưởng tôi. Bài làm của tôi không quá tốt nhưng vẫn có thể qua, xếp hạng trung bình khá cũng đã như mọng đợi rồi.

Hai bác đã trở về còn Trường Đông ở lại nhà tôi, vì cơ thể đã phục hồi và cũng phải dự thi học kì sắp tới. Ngày nắng rực rỡ hôm đó tôi chủ quan ra ngoài không mang ô, tới gần tối thì cơ thể bắt đầu mệt mỏi, hình như là dấu hiệu cảm nắng. Vì cũng nhẹ nên tôi không nói với mẹ chuyện này, chỉ tới mười hai giờ đêm đang học bài mới thấy người nóng hầm hập. Tôi xuống bếp rót một li nước, cầm trên tay một ít thuốc rồi lên phòng, vậy mà vừa tới cửa đã gặp Trường Đông bước ra. Anh ta nhìn vào tay tôi, bất giác tôi lại dấu nó sau lưng mình.

“Em dấu gì trên tay thế?” Anh ta hỏi.

“Tôi không có, anh đừng bận tâm.”

Mồ hôi trên trán tôi rịn ra, cơ thể cũng lạnh toát. Tôi bước vào phòng rồi đóng kín cửa lại, cũng không cần bận tâm anh ta ở ngoài kia như thế nào. Một lát sau Trường Đông gõ cửa phòng tôi, giọng nói hình như lo lắng.

“Em bị cảm phải không? Gói thuốc dưới bàn đang còn đấy.”

Xong rồi, đã dấu đầu còn hở đuôi, tôi đưa tay lên trán mình xoa xoa vài cái. Trường Đông vẫn gõ cửa bên ngoài còn tôi im lặng vờ như đã ngủ say, chỉ nghe tiếng tim mình đập từng hồi thình thịch.

Tưởng mọi chuyện đã dừng lại ở đó tôi liền bật đèn lên, tư thế nửa nằm nửa ngồi với cái chăn đắp hờ trên ngực. Bên ngoài hành lang có tiếng động, cửa sổ của tôi được gõ nhẹ từng hồi. Tôi không nghĩ Trường Đông đang đứng bên ngoài ấy liền kéo vội tấm rèm sang bên, khi bốn mắt nhìn nhau mới thấy lòng đặc quánh. Tiếng anh ta vừa mới bắt đầu cất lên, qua khe cửa nhỏ nhoi vẫn nghe thấy rõ ràng.

“Tại sao em phải tránh mặt anh? Những chuyện đã trải qua em không có lỗi gì cả, đừng tự trách mình mà phải làm như thế.”

Tôi định nói gì nhưng cổ họng vẫn nghẹn ứ, nhất là mỗi câu mỗi lời của Trường Đông như lột hết tim gan, không có gì khác xa sự thật.

“Tôi không tránh mặt anh, càng không cảm thấy bản thân mình có lỗi.”

“Vậy hãy mở cửa ra, anh rất muốn nói chuyện với em.”

“Tôi không có gì để nói, anh về đi.”

Đèn trong phòng đã tắt, không gian xung quanh trở về hiu quạnh nhất, còn mình tôi đứng trơ trọi dựa lưng vào tường. Cái hành lang nối hai phòng với nhau được tạo nên để đặt chậu cảnh, vốn dĩ nó không có cửa thông ra ngoài, nhưng từ bao giờ tôi lại thích đặt chân mình ở đó. Không biết cảm giác của Trường Đông lúc này có giống với tôi không, mỗi lần đứng từ ô cửa sổ nhìn vào trong chỉ thấy khoảng cách hai người thêm xa cách. Giá như không có ô cửa sổ ấy thì sẽ thế nào? Tôi không trèo ra ngoài đó và cũng chẳng thấy chậu xương rồng sống mạnh mẽ kia, tôi không nhớ tới Trường Đông sau mỗi đêm vừa xuống.

Nếu một ngày nào đó tôi không còn ở nơi này, Trường Đông có đứng từ cổng nhìn lên, chậu xương rồng có nằm trên ban công nữa?