Ờ mà kể ra cũng phải, trước đây đi đâu cũng nghe người ta chỉ trò nói xấu sau lưng, thím tư có khi nào đứng ra thanh minh hay giải thích nửa câu.

Bây giờ tự nhiên trở thành giáo viên, mỗi tháng kiếm về nhà 5 phần công điểm, mười mấy đồng tiền lương, hơn cả chồng ấy chứ.

Có một cái bát cơm sắt như thế, đố ai dám nói ra nói vào cái gì nữa.

Ngạn ngữ có câu gì ta? Nằm gai nếm mật? Đúng rồi, chính là nằm gai nếm mật!

Mà cái số thằng tư sinh ra là để người đời hâm mộ hay sao ấy. Trước kia tự mình kiếm tiền, giờ không kiếm được nữa thì tới lượt vợ nó kiếm tiền.

Lương giáo viên chỉ có 13 đồng tuy thua xa lương quân nhân nhưng còn có công điểm nha, 5 phần lận đấy, không ít đâu.

Cưới về một cô vợ vừa biết nấu cơm, giỏi vun vén gia đình lại có thể kiếm tiền, thật đúng là không ai bì kịp chú ấy.

Haizz, nói sao đây, tất cả là số trời, chú tư nhà này tốt số!

Nghe anh hai Chu cảm khái, chị hai Chu khóc càng thương tâm.

Vốn dĩ muốn phân cao thấp một phen, kiểu này thì có mà so cả đời cũng so không nổi.

Chút tâm tư này của vợ, anh hai Chu thừa biết nhưng anh để kệ cho khóc, khóc đi, khóc cho tỉnh người ra.

Đối với vấn đề nhà Chu Thanh Bách, anh hai Chu không phải là người duy nhất mà rất nhiều dân làng cùng chung suy nghĩ.

Trong cuộc đời họ gặp qua không ít người ham ăn biếng làm nhưng lười biếng như Lâm Thanh Hoà thì là số 1. Cô ấy lười đến mức không chịu lao động nuôi sống bản thân mình. Nếu nước miếng có thể dìm chết người thì không biết Lâm Thanh Hoà đã chết đuối biết bao nhiêu lần rồi.

Nhưng ở đời có lắm chữ ngờ, ai mà biết được cô ấy âm thầm ở nhà dùi mài kinh sử rồi đùng một cái gây ra ngạc nhiên lớn tới nhường này.

Kinh ngạc nhất là có thể vượt mặt toàn bộ nhóm thanh niên trí thức, đè cho mấy đứa đấy tâm phục khẩu phục không hó hé nửa câu, oai phong trở thành giáo viên chính thức, hưởng biên chế nhà nước.

Lợi hại, quá lợi hại!

Trước kia họ rất ngứa mắt với ngoại hình và tác phong của Lâm Thanh Hoà vì họ quy chụp cô bắt chước người thành phố. Nhưng hiện tại xem ra mọi thứ đã thay đổi, càng nhìn cô càng ưng con mắt, nhận xét đây chính là khí chất một giáo viên cần phải có. Họ ca ngợi cô có học thức có văn hoá cho nên khí chất cũng hơn hẳn người thường.

Thành tích xuất sắc của Lâm Thanh Hoà được truyền khắp các đội sản xuất của toàn Công xã.

Thật ra tên cô không phải xa lạ, mọi người đã nghe danh cô từ lâu. Rốt cuộc thì khắp làng trên xóm dưới chỉ có một mình cô là người phụ nữ duy nhất không chịu xắn quần lội ruộng cho nên không ai là không biết Lâm Thanh Hoà.

Gần đây lại thêm kỳ tích hai bài thi Toán Văn đạt điểm tối đa, bỗng chốc cô trở thành truyền kỳ. Chẳng cần Lâm Thanh Hoà chắp bút thành văn, mọi người đã tự biên kịch thành một câu chuyện về người phụ nữ hiếu học, mặc dù bị người đời hãm hại nhưng cô vẫn cố gắng vươn lên, miệt mài khổ luyện đèn sách nhiều năm. Câu chuyện động lòng người này có mặt trên khắp các buổi trà dư tửu hậu

Từ đó về sau, mỗi lần Lâm Thanh Hoà đi ra ngoài, mọi người đều nhìn cô bằng ánh mắt thán phục, thậm chí có người còn chủ động tiến lại gần chào hỏi.

Lâm Thanh Hoà không phải dạng người kiêu căng ngạo mạn, ai chào cô, cô đều lịch sự chào lại.

Nhưng, như những gì cô đã nói trước đây “không cùng quan điểm khó nói chuyện” cho nên cô chỉ chào hỏi giữ lễ thôi chứ không thể nào giao lưu thân mật hơn được.

Mọi người bắt đầu tôn trọng gọi cô một tiếng cô giáo Lâm thay vì mẹ Đại Oa như trước đây.

Phù! cuối cùng cũng về tới nhà, Lâm Thanh Hoà cõng sọt rau dại nhẹ nhàng thở ra một hơi. Cô biết việc cô trở thành giáo viên sẽ khiến mọi người kích động nhưng không nghĩ nhiều ngày như vậy rồi mà vẫn chưa giảm nhiệt.

Lại còn dùng toàn lời hoa mỹ khen cô làm cô ngượng chín cả mặt. Với cả cái gì mà bị hãm hại rồi hàm oan, trời đất, số cô có khắc khổ tới vậy đâu cơ chứ!

Nhưng mà không thể phủ nhận, danh xưng cô giáo Lâm này…hihi…cô thích!

Đang ủ bột ở trong bếp thì thấy Tam Oa chạy về, Lâm Thanh Hoà ghé đầu ra cửa sổ nói vọng ra: “Tam Oa, rửa rau dại giúp mẹ đi, tối nay mẹ làm sủi cảo rau dại cho mà ăn.”

“Vâng.” Tam Oa hô to rồi ngồi xổm xuống bắt đầu nhặt sạch rau dại.

Mấy việc này nó làm quen rồi. Dù là út ít nhưng thỉnh thoảng Lâm Thanh Hoà vẫn sai nó làm cái này làm cái kia, quan điểm của cô là tuổi nào làm việc nấy.

Cô không chiều nó trên phương diện này nhưng vẫn có những cái ưu tiên, ví như ăn uống. Nó thích ăn sữa bò màn thầu. Mặc dù làm món này lích kích tốn công nhưng có thời gian rảnh cô sẽ làm cho nó ăn.

Tam Oa vừa rửa rau vừa thích chí khoe: “Mẹ ơi, bên ngoài có nhiều người khen mẹ lắm luôn.”

Bây giờ mẹ nó oai phong như thế, tụi nó là con ruột, ra ngoài cũng được thơm lây.

Hễ gặp ai cũng khen con trai út nhà cô giáo Lâm mặt mũi thật khôi ngô, tuấn tú, lớn lên chắc đẹp trai lắm đây, ô con mắt to tròn đẹp quá, vân vân và mây mây….

Thật là sướng quá đi! Haha

Lâm Thanh Hoà phì cười: “Thế có ai khen con không?”

Tam Oa: “Có chứ, các cô ấy đều nói thế này, hmmm…A con trai út nhà cô giáo Lâm thật là giống mẹ nha, lớn lên chắc chắn sẽ là một người thông minh giỏi giang.”

Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Ừhm, các cô nói không sai, Tam Oa nhà ta rất thông minh lanh lợi.”

Nói xong cô lại có chút ảo não. Chắc mọi người đều quan niệm rằng kiến thức của cô đạt 100 thì trình độ giảng dạy sẽ tương đương.

Nhưng mà thi được thành tích tốt không có nghĩa là dạy học sinh hay! Nếu không có kinh nghiệm giảng dạy thì cũng sôi hỏng bỏng không! Cũng may hồi còn là sinh viên cô đã từng làm gia sư, kèm ra toàn học sinh khá giỏi.

Nghĩ lại thì phải cảm ơn cuộc sống cơ cực thời đại học đã giúp cô tích luỹ nhiều kinh nghiệm phong phú. Vì phải nuôi sống bản thân cho nên cô không ngừng làm thêm.

Tuy không có kỹ năng sư phạm nhưng cô có kinh nghiệm gia sư. Cô tin mình có thể đảm đương chức vụ này. Hơn nữa kiến thức năm nhất sơ trung cô đã thuộc nằm lòng, đọc xuôi đọc ngược đều nhuyễn như cháo chảy, chắc chắn sẽ không có vấn đề gì.

Một lúc sau, Đại Oa và Nhị Oa tan học.

Hai thằng này đi đứng, ăn nói cũng hiên ngang khí phách hơn bình thường. Lâm Thanh Hoà phải ra mặt kịp thời chấn chỉnh, không để cho bọn nó đắc ý mà vênh váo quá mức.

Đại Oa hỏi: “Tối nay ăn món gì hả mẹ?”

Lâm Thanh Hoà: “Sủi cảo nhân thịt heo rau dại.”

Đại Oa vâng dạ rồi đi lấy hai cái kẹo sữa mang ra chia cho Nhị Oa một cái.

Hai anh em bóc vỏ nhét kẹo vào họng rồi mỗi đứa xách một cái sọt đi đánh cỏ heo.

Hôm nào cũng thế, 4 giờ tan học, hai anh em nó sẽ đi đánh có heo tới mãi tận hơn 5 rưỡi mới về.

Lâm Thanh Hoà cùng Tam Oa gói sủi cảo. Gói xong cứ để đó, khi nào mọi người về đông đủ mới luộc cho nóng.

Xong việc trong bếp, Lâm Thanh Hoà lại lôi đế giày ra khâu.

Bà Chu bế Tô Thành sang, nhìn thấy con dâu đang ngồi lúi húi làm đế giày liền cười nói: “Thỉnh thoảng cũng nên nghỉ ngơi một tí, cả ngày cứ như con quay, mẹ chẳng thấy con dừng tay lúc nào.”

Câu này nói ra, tự nhiên trong lòng bà dâng lên một cỗ hổ thẹn.

Vất vả cho vợ thằng tư rồi, cả một nhà vừa có già vừa có trẻ mà một tay nó quán xuyến đâu ra đấy, ai cũng được quan tâm, ai cũng được săn sóc. Bận thế mà vẫn giành thời gian tự học, lại còn đạt được thành tích xuất sắc, đè bẹp cái nhóm thanh niên trí thức suốt ngày huyênh hoang kia không ngóc đầu dậy nổi. Sao trước đây bà không biết cảm thông cho con nó nhỉ? Haizzz….

Lâm Thanh Hoà không hề biết mẹ chồng lại suy nghĩ nhiều như thế, mà cũng may là bà không nói ra lời chứ nếu nói ra thì cô sẽ chẳng biết phải đáp lại làm sao!

Lâm Thanh Hoà: “Con không sao. Nhân dịp lúc này con đang rảnh nên làm thêm cho Thanh Bách hai đôi để dành.”

Tới tháng 9, khai giảng xong chắc công việc của cô sẽ bận rộn lắm.

Bà Chu cười: “Từ giờ về sau mấy việc may vá trong nhà cứ giao hết cho mẹ. Con chỉ cần tập trung giảng dạy cho tốt là được. Cơm nước cũng để mẹ lo cho.”