Cơm nước bên Chu gia xong, hai người chị chồng cũng ghé nhà Lâm Thanh Hoà ngồi chơi một chút.

Lâm Thanh Hoà hoan nghênh thôi, dù sao cũng là chị ruột chồng với lại không phải kiểu họ hàng cực phẩm cho nên cô sẵn lòng giữ hoà khí đôi bên.

Chu Hiểu Quyên với Chu Hiểu Cúc thấy vợ cậu tư giờ đây đã thay đổi rất nhiều, lại còn là giáo viên cho nên rất muốn duy trì mối quan hệ thân thiết.

Trước khi Lâm Thanh Hoà xuyên tới đây, Chu Hiểu Quyên và Chu Hiểu Cúc chưa hề bước chân vào nhà này, đương nhiên nguyên chủ cũng chả thèm.

Trong mắt nguyên chủ, loại họ hàng thân thích nghèo hèn như này, càng sớm phủi sạch quan hệ ngày nào tốt ngày đấy.

Ngồi chơi mãi tới tận hai giờ chiều, vợ chồng Chu Hiểu Quyên và vợ chồng Chu Hiểu Cúc mới đứng dậy rời đi.

Hai nhà cùng đường một đoạn cho nên hai chị em được dịp hàn huyên thêm một lúc.

Chu Hiểu Quyên cực kỳ vừa lòng nói: “Xem ra vợ cậu tư càng ngày càng hiểu chuyện.”

Chu Hiểu Cúc: “Trước đây tại Thanh Bách đi biền biệt, mợ ấy một nách ba con nhỏ, lúc ấy tuổi lại còn trẻ cho nên cũng có cái khó riêng.”

Đúng thế, Chu Thanh Bách là ngọn nguồn của mọi vấn đề. Chu Hiểu Cúc không khách khí đổ hết tội lỗi lên đầu em trai.

Chu Hiểu Quyên cũng đồng tình với quan điểm này.

Đối với phụ nữ thời này, vợ chồng không cần tình cảm cũng được nhưng nhất định trong nhà phải có người đàn ông. Người đàn ông chính là trụ cột gia đình, nhà thiếu trụ làm sao vững?

Chu Hiểu Quyên và Chu Hiểu Cúc là hai người phụ nữ mang đậm tư tưởng truyền thống. Chính vì thấm nhuần tư tưởng này cho nên họ rất an phận thủ thường.

Tuy cha mẹ chồng của Chu Hiểu Cúc bất công, thiên vị vợ chồng con cả nhưng gia đình chị đã dọn ra riêng, từ nay trở đi không ai ảnh hưởng tới ai, cũng xem như tạm an ổn.

Chu Hiểu Cúc nói với Chu Hiểu Quyên: “Chị Quyên, tiền em nợ chị chắc phải khất thêm một thời gian nữa em mới gom góp đủ.”

Chu Hiểu Quyên phất tay: “Cứ lo ổn định cuộc sống cho tốt đi đã rồi hẵng nói tới chuyện khác.”

Tuy điều kiện gia đình Chu Hiểu Quyên khá khó khăn những cũng chưa cần dùng tiền gấp.

Tới ngã rẽ, hai chị em tạm biệt nhau, từng người theo chồng đi về nhà mình.

=====

Lâm Thanh Hoà đang ở trong bếp hấp đậu đỏ để tí nữa làm một ít màn thầu nhân đậu đỏ.

Món này rất dễ, đậu đỏ hấp mềm nhừ, dùng thìa tán nhuyễn, thêm vào một lượng đường vừa phải, quấy đều lên thế là xong phần nhân.

Sau đó, bỏ nhân vào vỏ bánh, gói lại, cho lên bếp hấp chín là hoàn thành món màn thầu nhân đậu đỏ.

Cắn một miếng, nhân bánh vỡ ra, đậu đỏ thơm bùi, ngọt nhẹ, Chu Thanh Bách có thể ăn liền lúc 7 cái.

3 anh em Đại Oa thích mê mẩn.

Ông bà Chu càng khỏi cần phải nói, vừa uống canh hạt mè đậu phộng vừa ăn bánh. Thế mà mỗi người cũng ăn hết mấy cái.

Vì lý do thời tiết mà biết bao kế hoạch bị ảnh hưởng, chuyến du xuân đầu năm cũng phải tạm hoãn, Lâm Thanh Hoà hẹn các con tới đầu xuân đợi thời tiết ấm lên sẽ đi. Cô rất muốn mỗi năm chụp ảnh một lần để lưu giữ làm kỷ niệm.

Chu Thanh Bách với Nhị Oa và Tam Oa rảnh sắp khùng. Ngày nào cũng xách nhau lên rừng săn gà săn thỏ.

Lâm Thanh Hoà cứ đủng đỉnh nấu ăn 3 bữa là hết ngày.

Người bận bịu nhất thời điểm này chắc chỉ có mỗi Đại Oa, nó bù đầu bù cổ làm toán, viết văn, học thuộc thơ ca, bài luận…

Ngày mồng 7 tháng Giêng, Lâm Thanh Hoà cho nó nghỉ xả hơi một ngày.

“Cha với cậu út định đi săn xa, con có muốn đi cùng không?”

Đại Oa hứng thú sáng rực mắt, muốn, tất nhiên là muốn rồi, nó nhìn về phía cha xin ý kiến.

Chu Thanh Bách không có ý kiến, chỉ nói: “Đừng kéo chân sau là được.”

Đại Oa dõng dạc trả lời: “Nhất định không kéo chân sau!”

Bởi vì chuyến này đi săn xa cho nên Nhị Oa với Tam Oa phải ở nhà, chỉ có mình Đại Oa được theo thôi vì thằng nhóc này đã cao lớn lắm rồi, không còn là trẻ con nữa, phải cao ngang mấy đứa 14-15 tuổi.

Bộ quần áo năm ngoái vẫn còn mặc vừa như in, ấy thế mà qua năm nay đã ngắn cũn cỡn, hồi đầu mùa đông cô lại phải may cho nó 2 bộ mới nguyên.

Nếu trời không đổ tuyết quá dày, sáng nào hai cha con cũng ra ngoài chạy bộ rèn luyện cơ thể, tăng cường sức khoẻ.

Đợi cậu ba Lâm sang là ba người bắt đầu xuất phát. Trên tay cậu ba Lâm và Đại Oa, mỗi người cầm một con dao đốn củi đề phòng bất trắc.

Mùa đông giá rét, thức ăn khan hiếm, đôi khi trên đường săn rất dễ đụng phải những con dã thú lớn đi kiếm ăn.

Đương nhiên, Chu Thanh Bách không cần, thân thủ của anh rất nhanh nhẹn, quyền cước linh hoạt, tay không đấu với sói chỉ là chuyện nhỏ.

Cậu ba Lâm với Đại Oa chỉ biết chút võ vẽ mèo cào, cho nên vẫn phải găm vũ khí cho chắc cú, ngoài ra còn nhét thêm mấy cái màn thầu vào lồng ngực, đặng ăn trưa cho đỡ đói, trong mọi trường hợp, có thực mới vực được đạo.

Chỉ ăn một bữa ở bên ngoài, cho nên gặm qua loa vài cái màn thầu lấp bụng rỗng là được, đợi tối đi săn về thể nào cũng có đồ ăn ngon.

Một ngày rõng rã, tới lúc trời nhá nhem tối, 3 người mới về, phía sau còn kéo lê một vật thể to đùng, nhìn từ xa thấy có vẻ rất nặng nề.

Lại gần mới nhìn rõ, trời ơi, một con heo rừng to khổng lồ được đặt trên một tấm ván gỗ.

Lâm Thanh Hoà trợn trừng mắt kinh ngạc, mãi mới thốt được hai chữ: “Heo rừng!”

Không đúng, chính xác phải nói là một con heo rừng có nanh, một cặp răng nanh trắng, dài, nhọn hoắt!

Cô cứ đi ninh hôm nay đi đánh gà rừng, thỏ rừng như mọi lần thôi, ngờ đâu ba đồng chí này lại lôi về một sự bất ngờ vĩ đại đến thế!

Đúng lúc ông bà Chu cũng đang ở đây, nhìn thấy con heo rừng đen xì to đùng nằm chình ình, doạ hai ông bà già sợ khiếp vía.

Bà Chu vội vàng hỏi: “Thanh Bách với Đại Oa… không sao chứ?”

Lâm Thanh Hòa an ủi: “Không sao đâu mẹ, hai cha con anh ấy đều an toàn trở về, cha mẹ đừng lo lắng.”

Cả cậu ba Lâm cũng thế, bình an, không sứt mẻ một cọng tóc.

Đại Oa tóm tắt tình hình tại hiện trường, chỉ vài ba câu đơn giản nhưng đủ tái hiện được cuộc chiến mạo hiểm giữa Chu Thanh Bách và con heo rừng.

Chu Thanh Bách chém xuống hai đao, ép con heo rừng phản công, nó bị đau mất lý trí, điên cuồng lao đến, Chu Thanh Bách nhẹ nhàng lắc mình né tránh, con heo rừng đâm thẳng vào tảng đá lớn, choáng váng, anh nhân cơ hội nhanh nhẹn tiến tới bồi thêm hai đao nữa, con heo rừng lăn đùng ra chết.

Ngoài yếu tố may mắn thì không thể phủ nhận sức mạnh và kỹ năng của người đàn ông mang tên Chu Thanh Bách.

Lâm Thanh Hoà yên lặng nấu ba tô mì xương sườn, bác thêm một dĩa trứng gà.

Ba người ăn ngấu ăn nghiến, đói chứ, đi săn cả ngày trời, lại còn kéo một con lợn rừng vừa nặng vừa to cả quãng đường dài, đến ngay cả Chu Thanh Bách còn cảm thấy sức cùng lực kiệt huống chi cậu ba Lâm và Đại Oa.

Bà Chu nhìn tận mắt thấy cả ba người không có vấn đề gì mới yên tâm thở phào nhẹ nhõm.

Ngoài cửa, dân làng kéo đến ngày một đông, có người không nhịn được muốn chiếm tiện nghi, lên tiếng: “Cô giáo Lâm, con lợn rừng to thế này nên chia cho mọi người chứ hả?”

Lâm Thanh Hoà chưa kịp đáp lời, bà Chu đã giành trước một bước, không nể nang trực tiếp phun trào: “Ha, ngươi nói dễ nghe quá ha, đây là Thanh Bách nhà ta dùng mạng đổi về. Vừa mở miệng là đòi chia? Người có mặt mũi quá nhỉ? Sao không lên đầu mà ngồi luôn đi?”

Lâm Thanh Hoà tiếp lời mẹ chồng: “Đúng là nhà tôi ăn không hết, tuy nhiên sang năm Đại Oa lên Cao trung mà bình thường trong nhà chi tiêu nhiều cho nên chả dư dả tiền, đang lo không biết làm sao thì vừa hay hôm nay săn được một con heo rừng.”

Lời này vừa nói ra, tất cả mọi người đều hiểu, đây là muốn bán?!

Có người lên tiếng hỏi: “Chẳng phải Đại Oa mới vào Sơ nhất thôi à, đã tính tới chuyện học Cao trung không phải quá sớm sao?”

Lâm Thanh Hoà bình tĩnh đáp: “Năm nay Đại Oa sẽ nhảy lớp, trực tiếp lên học Sơ nhị, nửa cuối năm thi tuyển Cao trung là vừa rồi.”

Đoàn người ồ lên kinh ngạc, xôn xao bàn tán một trận.

Nãy giờ đứng một bên yên lặng quan sát, lúc này ông Chu mới mở miệng: “Nhà tôi cũng phải nuôi con cháu đi học, không có tiền lấy gì cho chúng ăn học? Đây là trao đổi bình thường, tuyệt đối không phải mua đi bán lại. Nếu có người muốn đi tố giác nhà Chu mỗ tôi đây đầu cơ trục lợi vậy thì cứ thử xem. Chu gia chúng tôi từ thời tổ tiên tới giờ mười mấy đời bần nông, giờ đây chỉ có một mong muốn bồi dưỡng ra một sinh viên đại học phục vụ quốc gia đất nước!”