Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 228: Chị em dâu tâm sự

Chờ mãi mới tới ngày tất niên, cứ tưởng lại được bữa ngon hoá ra không phải, Chu Lục Ni lụng bà lụng bụng không ngớt: “Cứ ăn chung như năm ngoái có phải tốt bao nhiêu không, sao tự nhiên năm nay lại không ăn nữa, là sao là saoooo????”

Chu Tam Ni chán chả thèm tiếp lời, chỉ có Chu Hạ đáp: “Chị còn hỏi nữa, cái tướng ăn của chị khiến người khác sợ chết khiếp, làm gì còn có ai muốn ngồi ăn chung với chị nữa.”

Chu Lục Ni bặm trợn: “Ai mượn mày lắm mồm? Mày cũng không ăn ít hơn ai đâu, còn nói người khác…xì…Cơm tất niên không phải để ăn thì để làm gì, ngắm à?”

Chu Hạ không muốn tranh luận vô nghĩa với bà chị không nói lý lẽ này. Vội vàng lùa xong chén cơm, nó chạy ào sang nhà chú tư rủ Nhị Oa đi chơi.

Một lúc sau công việc bếp núc đã hòm hòm, Lâm Thanh Hoà mới đi sang Chu gia, cầm theo 1 gói kẹo sữa phát cho mấy đứa cháu trai cháu gái cho mấy đứa nhỏ có không khí lễ Tết.

Chu Lục Ni vừa bóc vỏ kẹo vừa hếch hếch cái mặt hỏi: “Thím tư, năm nay không qua Chu gia ăn cơm tất niên nữa à?”

Lâm Thanh Hoà tạm dừng phát kẹo, nhìn về hướng Chu Lục Ni một cái rồi nhàn nhạt đáp: “Quá đông người, nhà nào ăn nhà nấy sẽ tốt hơn.”

Ha, con bé Lục Ni này cũng thật là…nhưng mà thôi, dù sao cũng không phải con gái nhà mình, không tiện ra mặt dạy dỗ. Không khéo người ta lại chửi bao đồng, chõ mũi vào chuyện nhà người khác.

Chu Lục Ni: “Nhà cháu năm nay chuẩn bị bao nhiêu đồ ngon, nếu tập trung ăn thì thừa sức chia sẻ cho tất cả mọi người.”

Lâm Thanh Hoà thầm mắng con bé này tính gạt trẻ con chắc?

Chu Lục Ni nói tiếp: “Thím tư, sang năm cháu muốn tới trường nhưng mẹ cháu không cho.”

Lâm Thanh Hoà: “Mẹ không cho thì cháu phải đi nói với cha chứ.”

Chu Lục Ni: “Cha cháu không làm chủ được chuyện này đâu, thím tư à, hay là thím bỏ tiền cho cháu đi học đi, sau này cháu trưởng thành, cháu nhất định sẽ hiếu thuận với thím.”

Lâm Thanh Hoà bật cười nhìn về phía chị hai Chu nói: “Lời này phải mang về hỏi mẹ cháu trước đi đã.”

Vừa vặn chị hai Chu từ trong phòng bước ra tới, đang đưa mắt nhìn dáo dác bốn phía xung quanh…rõ ràng động tác này là đang tìm gậy nha…Chu Lục Ni ba chân bốn cẳng chạy thục mạng.

Lâm Thanh Hoà chỉ để lại một câu trẻ nhỏ không hiểu chuyện rồi đi vào nhà trong tìm chị cả Chu và chị ba Chu nói chuyện phiếm

Đoạn hội thoại ở ngoài sân giữa Chu Lục Ni và Lâm Thanh Hoà, chị cả Chu cũng nghe thấy. Kéo Lâm Thanh Hoà sát lại gần, chị cả Chu nói nhỏ: “Thím đừng bận tâm tới con bé Lục Ni. Không biết học được cái tính xấu ở đâu mà lười như hủi, mọi việc lớn nhỏ đều dồn hết cho chị gái, mẹ nó đánh cho bao trận mà vẫn lỳ mặt ra không chịu nghe. Riết rồi không biết sau này lớn lên thành cái dạng gì nữa.”

Chị ba Chu cũng cau mày: “Hôm qua em còn trông thấy nó nhặt viên kẹo của thằng nhóc Trần Liễu rồi giấu lên.”

“Trời đất, còn có chuyện này?” Chị cả Chu hết hồn, Lâm Thanh Hoà cũng kinh ngạc.

Chị ba Chu gật đầu: “Vâng, bị em phát hiện, nó mới trả lại. Việc này em cũng không mách lại chị hai.”

Chị cả Chu lắc đầu: “Nha đầu này quá ranh ma, tâm địa bất chính, bé tí đã không nghe lời người lớn thì sau này trưởng thành càng không dạy nổi.”

Trước giờ Lâm Thanh Hoà chưa hề có ấn tượng tốt với con bé Chu Lục Ni cho nên cô không muốn nhắc tới. Cô liền chuyển qua chủ đề thu hoạch hoa màu, lương thực. Tình hình thời sự các đại đội xã bên cô đều được Chu Thanh Bách cập nhật thường xuyên nên cũng nắm được kha khá, đủ vốn chém gió với hội chị em.

Mỗi lần trên Huyện mở họp, Chu Thanh Bách luôn là người đi cùng đại đội trưởng, đồng thời anh còn trực tiếp báo cáo tình hình hoạt động của đại đội với các cấp lãnh đạo. Mặc dù không có tiền công nhưng có cái uy, được tất cả xã viên tôn trọng.

Chồng có vinh dự đi họp với lãnh đạo mà, cho nên tin tức đội sản xuất nào mất mùa, không giao nộp thuế, phải xin cứu tế này nọ là Lâm Thanh Hoà nắm được hết.

Chị ba Chu nghe xong, gật gù tấm tắc: “Nói ra lại bảo khoe khoang chứ công nhận đội ta đoàn kết thật đấy, mọi người đồng lòng như một, hiếm có hiếm có.”

Dù sao cũng gả lại đây sớm nhất nên chị cả Chu hiểu rõ tính tình thôn dân nhất, chị nói ngay: “Trước kia cũng không đoàn kết lắm đâu. Nhưng sau khi trải qua nạn đói năm ấy, mọi người sợ chết khiếp cho nên lúc này mới không dám lười biếng thôi.”

“Chị em tụ tập đông vui thế này mà không gọi tôi với à?” Chị hai Chu vừa cười nói vừa ôm cái rổ mây đi tới, bên trong rổ đựng ít len sợi, xem chừng là đang định đan áo len.

Lâm Thanh Hoà bốc cho chị hai một nắm hạt dưa rồi nói: “Nãy nhìn thấy chị còn đeo tạp dề nghĩ là chị đang vội nên em không dám kêu. Đoán chừng khi nào xong việc thể nào chị cũng lại đây mà. Thôi áo len để sang một bên chốc nữa lại đan, cắn hạt dưa đi cho vui miệng.”

Chị hai Chu xoè tay nhận nắm hạt dưa rồi cười hỏi: “Mọi người đang nói chuyện gì đấy?”

Lâm Thanh Hoà: “Nói chuyện năm nay đại đội ta được mùa.”

Chị hai Chu gật đầu: “Đúng đúng, may thật đấy. Đại đội chỗ nhà mẹ đẻ chị cũng không bằng bên mình đâu.”

Lâm Thanh Hoà vừa cắn hạt dưa lách tách vừa cười hỏi: “Chắc là năm nay mỗi nhà cũng cất lên được không ít, phải không?”

Chị ba Chu cong cong khoé miệng: “Nào có được bao nhiêu đâu.”

Chị cả Chu cũng không giấu được nụ cười: “Ừ thì cũng tốt hơn những hộ chưa phân gia.”

Trong thôn này, phần đông các hộ gia đình đều chưa phân gia. Cha mẹ, con cái, anh chị em túm tụm ở chung hết một chỗ, người ta nói ly tán mất tình cảm, phải ở chung mới là 1 gia đình.

Vợ chồng ông bà Chu là một trong những trường hợp hiếm gặp, cho con cái phân gia từ sớm. Nhưng sự thật đã chứng minh, phân gia bao năm rồi, thế mà tình cảm 4 anh em nhà họ Chu vẫn hoà thuận khắng khít, chị em dâu tuy đôi khi có khắc khẩu, nhưng không làm ảnh hưởng tới không khí chung của đại gia đình.

Chị hai Chu cũng rất vừa lòng chuyện phân gia nhưng vẫn hơi hơi ganh tỵ: “Nhiều tới đâu thì cũng không bằng mẹ Đại Oa.”

Lâm Thanh Hoà xua xua tay: “Làm chị em dâu với nhau bao năm mà các chị còn không rõ tính em à? Có đồng nào là em tiêu hết đồng ấy, tiền Chu Thanh Bách kiếm về, em cũng không tha đâu.”

Lời này vừa thốt ra, ba người chị dâu không hẹn mà cùng ngẩn tò te…

Ờ nhưng mà thím tư nói đâu có sai, các chị đều biết trong 4 chị em dâu chỉ có mình thím ấy biết kiếm tiền, làm giáo viên vừa có tiền lương vừa có công điểm. Nhưng tài tiêu tiền của thím ấy thì cũng khó ai sánh kịp. Mùa hè mua sữa bò tươi, mùa đông mua sữa bột, cả 3 thằng đều lớn tướng ra đấy rồi mà vẫn duy trì uống sữa không nghỉ ngày nào.

Mà đâu chỉ có sữa, một ngày 3 bữa đồ ăn thức uống phong phú, sắc hương vị đủ cả. Không cần nghe ai nói, chỉ cần nhìn cha mẹ chồng là đủ biết, từ ngày qua đó ăn, cả hai ông bà đều hồng hào sắc mặt, phấn chấn tinh thần hơn hẳn.

Vì thế, thím tư kết luận mình tiêu sạch tiền lương, chả dành dụm được đồng nào, chắc là thật rồi.

Chị cả Chu hỏi lời thật lòng: “Chẳng mấy mà Đại Oa vào đại học, tới lúc đó học phí với sinh hoạt phí thì tính làm sao?”

Lâm Thanh Hoà vô tư trả lời: “Không cần phải lo đâu chị. Nếu nó có thể thi đậu, không những được miễn học phí mà còn được trợ cấp thêm, đủ cho nó trang trải sinh hoạt cá nhân. Sau khi tốt nghiệp, được phân phối công tác. Tới lúc ấy tự lo làm, lo ăn, lo kiếm tiền mà cưới vợ.”

Chị hai Chu trợn to mắt hỏi: “Thế còn Nhị Oa với Tam Oa?”

Lâm Thanh Hoà xua tay: “Ôi, thì hai đứa nó cũng học theo anh cả nó đó. Lúc trước cha tụi nó cưới em cũng bằng tiền anh ấy tự kiếm được mà. Bọn nó muốn cưới vợ thì phải tự mình kiếm tiền đi chứ.”

Chị cả Chu, chị hai Chu và chị ba Chu đồng thời câm nín!

Thím tư nói không sai, tiền lễ hỏi rước các chị vào cửa đều là cha mẹ chồng ra, chỉ có cưới thím tư về là toàn bộ chi phí do chú tư ra.

Chính vì lý do đó mà trước đây trong nhà xảy ra bao nhiêu mẫu thuẫn chó mèo không yên nhưng mọi người vẫn mắt nhắm mắt mở bỏ qua.

Lâm Thanh Hoà cười nói: “Nhưng mà bây giờ có bao nhiêu tiền em đều tiêu hết lên người 3 anh em nó còn gì nữa, chăm lo cho ăn uống, phát triển sức vóc, cho đi học phát triển trí tuệ, mai này lớn lên phải tự biết đi làm kiếm tiền lo cho bản thân mình đi chứ. Em với Thanh Bách nhà em còn phải tích cóp tiền dưỡng già nữa chứ.”

À, lời này thì ba người chị dâu đều không tin. Nuôi con để dưỡng già đã là quy luật bất thành văn từ ngàn đời nay, làm gì có đời thuở nhà nào tự mình tích cóp tiền dưỡng lão, già rồi cứ để mấy đứa con trai chung tay nuôi là được, dại gì không dựa vào con mà tự lực chi cho khổ vậy?!

Đây chính là một trong những ví dụ điển hình về sự bất đồng quan điểm trong vấn đề giáo dục và nuôi dạy con cái giữa các thời đại.

Đồng tiền có sức mạnh, chưa ai có thể phủ nhận được điều này. Mình có tiền của mình, mình tiêu tiền của mình, đố bảo đứa con dâu nào dám tỏ thái độ, mặt nặng mày nhẹ?

Chính mình bây giờ cũng đang làm dâu, mình có tâm tư gì, về sau con dâu mình cũng sẽ có tâm tư y như vậy. Cho nên, tốt hơn hết là phải có tiền phòng thân, không nên dựa dẫm toàn bộ vào con cái, bọn nhỏ không đáng tin cậy một tí nào hết. Khoẻ mạnh thì ông chăm bà, bà chăm ông, già yếu thì bỏ tiền thuê bảo mẫu, nhẹ nhàng, đơn giản.