Mộ Vãn Diêu được thị nữ vây quanh chậm rì rì đi đến chính đường nửa lộ thiên.
Ở những năm này nhà quyền quý đa phần xây chính đường không có tường mà bốn phía dùng mấy cây cột chống “đỉnh”, bốn phía để thông gió.

Dọc theo hành lang dài tới chính đường bọn họ vừa lúc có thể thấy một vị thiếu niên lang quân đang đứng trước đường.
Có thị nữ uốn gối báo với vị lang quân kia: “Lang quân, điện hạ của chúng ta tới.”
Vi Thụ ngẩng đầu nhìn thiếu niên công chúa đang được mọi người vây quanh đi tới.

Chỉ liếc mắt một cái hắn đã cảm thấy một mảnh đỏ ửng tươi đẹp, khí thế bắt mắt.

Mà Mộ Vãn Diêu cũng liếc mắt một cái đã thấy hắn ——
Thiếu niên lang quân đứng trước đường, phong tư đẹp đẽ, khí khái như tranh.

Lúc hắn ngẩng đầu, ánh mặt trời chiếu lên người, quanh thân lấp lánh vừa lỗi lạc vừa rực rỡ.

Cuộc đời này Mộ Vãn Diêu chưa từng bao giờ gặp được người nào có khí chất sạch sẽ, thanh lãnh như thế này.

Cả người hắn giống như một ngọn tháp trong tuyết trắng, khiến người ta không thể nổi lên nửa phần trêu đùa.
…… Cậu quả không lừa nàng, người này tư chất tuyệt đối là thượng đẳng trong số những nam tử Mộ Vãn Diêu từng gặp.
Nhưng vấn đề duy nhất chính là…… Mộ Vãn Diêu đứng trước đường, thu lại biểu tình trào phúng khinh thường trên mặt sau đó đứng đắn hỏi một câu: “Vi Cự Nguyên, xin hỏi ngươi năm nay bao nhiêu tuổi?”
Vi Thụ nhìn nàng đáp: “Mười bốn.”
Mộ Vãn Diêu trầm mặc: “……”
…… Khó trách cậu nói hai người không cần vội vã thành hôn, lại hàm hồ nói có thể đợi vài năm rồi tính sau.

Mộ Vãn Diêu năm nay đã mười tám, đối mặt với một thiếu niên lang quân mới 14 tuổi thì cho dù đối phương có tuấn tú thế nào…… Nàng cũng không xuống tay được.
Mộ Vãn Diêu đỏ mặt ho khan nói: “Ngươi tới Trường An làm cái gì?”
Vi Thụ cất giọng trong trẻo như tuyết nói: “Thần không ở Lạc Dương nổi nữa nên lão sư để thần tới Trường An.

Thần tính toán tham gia khoa khảo năm sau, hy vọng công chúa giúp thần tìm chút nhà cửa tại Trường An, và thêm vài tôi tớ, ngày sau thần xin đền đáp ơn của điện hạ.”
Mộ Vãn Diêu nghiêng mặt mỉm cười nói: “Không dám, không dám.”
Trong lúc nhất thời, hai người đều trầm mặc.

Mộ Vãn Diêu lặng lẽ nhìn Vi Thụ, thấy đối phương tuy còn nhỏ nhưng khó có được thần thái trầm tĩnh lạnh lùng.
Nàng lặng yên nhìn hắn còn hắn lặng yên dời mắt, gương mặt đỏ lên.

Hiển nhiên hắn cũng hiểu tính toán trong lòng Lý Chấp nên cũng có chút xấu hổ.

Lúc này Mộ Vãn Diêu mới thu lại ánh nhìn rồi mời hắn uống trà.

Nàng và Vi Thụ hàn huyên cả buổi chiều, nội dung là một chút phong tục ở Lạc Dương.

Vi Thụ tuy còn niên thiếu nhưng cách nói năng và tu dưỡng lại hiển nhiên bộc lộ rõ nề nếp được danh môn thế gia bồi dưỡng mà có.
Trong lúc nhất thời bọn họ không nói chuyện phong nguyệt, hai người đều vui vẻ hòa thuận.

Lý Chấp có suy tính riêng với hôn sự của công chúa, Thái Tử cũng thế.
Trong Đông Cung, Vi Thụ vừa tới phủ công chúa thì đã có người tới thông báo cho Thái Tử.

Thái Tử yên lặng ngồi một lúc mới chuyển cái ly mạ vàng sang tay khác rồi gọi người dặn: “…… Triệu Dương Tự về Trường An.

Rốt cuộc cũng là thanh mai trúc mã với Lục muội, nàng ta về Trường An chẳng lẽ hắn không có chút phản ứng nào sao?”
Nội thị bị khó xử thì cười khổ bẩm báo: “Thái Tử điện hạ, ngài cũng biết Dương Tam Lang tính nết kiêu ngạo.

Là ngài sắp xếp cho ngài ấy đi biên quân Lũng Tây rèn luyện, nếu cứ thế vội vàng gọi người về thì Dương Tam Lang sẽ không vui đâu.”
Thái Tử nổi giận quát: “Hắn khó chiều quá nhỉ?! Thanh mai trúc mã trở lại Trường An, hắn quan tâm chẳng lẽ không phải bình thường sao? Một hai phải chờ Lý thị bị Lạc Dương Vi thị lung lạc rồi hắn mới vui vẻ hả? Để hắn về Trường An, nếu muốn luyện binh thì cô cho hắn một chức vụ trong Vũ Lâm Quân là được.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của hắn chính là xây dựng quan hệ tốt với Lục muội, để chúng ta có thể mượn sức Kim Lăng Lý thị!”
Sau một phen như vậy thì tất nhiên có người ra roi thúc ngựa rời khỏi Trường An đi Lũng Tây tìm Dương Tam Lang.
Thái Tử hy vọng có thể sắp xếp người của mình ở bên cạnh Đan Dương công chúa.

Mà trong số người của hắn, chỉ có Dương Tam Lang Dương Tự là thanh mai trúc mã với Mộ Vãn Diêu, lại là thư đồng của Thái Tử hắn nên đương nhiên là lựa chọn tốt nhất.

Vì thế suốt một năm, Mộ Vãn Diêu đều bị kẹp ở trong mưu tính của Thái Tử cùng Lý gia.

Một bên là Dương Tam Lang, một bên là Vi Thất Lang.
Lĩnh Nam vẫn có thư từ gửi tới như cũ, nhưng bởi vì khoảng cách quá xa nên thư từ không đến nhanh được.

Mới đầu Mộ Vãn Diêu còn quan tâm đến Ngôn Nhị Lang, sau đó đi theo Thái Tử bận rộn nên nàng căn bản bỏ luôn Ngôn Nhị Lang của Lĩnh Nam ra sau đầu.
Thiếu niên lang quân của một ngày mưa rả rích tại Lĩnh Nam lúc trước chẳng qua chỉ là một hồi rung động ngẫu nhiên, chẳng có gì quan trọng.

Ban đầu Mộ Vãn Diêu còn ngẫu nhiên hỏi thăm thư từ của Ngôn Nhị Lang, nhưng sau đó dù đối phương có gửi thư nàng cũng không hỏi và không xem.
Biết công chúa đã không còn hứng thú nên đám người Xuân Hoa cũng không hề đưa thư của chàng đến quấy rầy công chúa nữa.


Có điều nôi dung trong thư của chàng quá thú vị, có kể chút chuyện phong tục của Lĩnh Nam, và cả truyền kỳ.

Mỗi tháng nhận được thư của chàng, đám người Xuân Hoa và Phương Đồng đều xem đến mùi ngon, tranh nhau truyền đọc.
Tháng 10 này Ngôn Thạch Sinh quả thực nhận được danh ngạch của Quảng Châu phái đi Trường An tham dự khoa khảo.

Năm nay Ngôn Đại Lang cũng cưới vợ, trong nhà làm hôn sự xong thì mang những thứ đáng giá đi đổi thành vàng thỏi, tất cả đều nhét vào tay nải cho chàng.
Vừa qua tết bọn họ đã thúc giục Ngôn Nhị Lang đi Trường An để tránh lỡ mất khoa khảo vào tháng hai.
Cha Ngôn vốn cả ngày chỉ uống rượu, chẳng hỏi một lời đến tiền đồ của con trai nhưng trước khi Ngôn Nhị Lang rời nhà, ông đã gọi chàng vào phòng nói chuyện.
Rốt cuộc cha mình đã từng đỗ tiến sĩ nên Ngôn Nhị Lang đương nhiên muốn nghe cha có kiến nghị gì với việc khảo thí của mình hay không.
Kiến nghị thì không có nhưng cha Ngôn quả nhiên có một sự sắp xếp dành cho chàng: “…… Ta rời xa Trường An đã lâu, không có gì để giúp con.

Nhưng ta có một người bạn cũ, hiện tại là tiến sĩ ở Thái Học.

Chẳng qua chỉ là một vị quan lục phẩm nhỏ nhoi, cũng không có tiền đồ gì nhưng vừa lúc có lợi cho con.

Ta đã sớm gửi thư cho người bạn đó, để ông ấy nhận con làm đệ tử.

Sau khi còn tới Trường An thì đến nhờ cậy ông ấy là được.
Nhị Lang, con là người có chủ ý hơn bất kỳ ai khác.

Trong mấy đứa con của ta vi phụ không lo lắng cho con nhất nhưng cũng lo cho con nhất.

Ta chỉ hy vọng mặc kệ là phúc hay họa con cũng đừng quên trong nhà, con không cần một mình gồng gánh.

Có cái gì khó xử, ví dụ như thiếu tiền thì con cứ nói cho chúng ta biết.”
Ngôn Nhị Lang đỏ mắt không nói lời nào mà chỉ quỳ xuống hành lễ thật sâu với cha mình.
Cha Ngôn thở dài nói: “Vị lão sư kia đã đồng ý thu con làm đệ tử, nhưng ông ta nói tên của con không tốt lắm, ông ta muốn giúp con sửa tên, con có bằng lòng không?”
Ngôn Nhị Lang thấp giọng nói: “Tất nhiên là con nghe lão sư và phụ thân.”
Cha Ngôn gật đầu nhìn con trai quỳ gối trước mặt, trong lòng thổn thức.

Không biết lần này Nhị Lang đi rồi tương lai sẽ có bộ dáng gì.

Năm đó ông ở Trường An không cầu được một quan nửa chức, không biết Nhị Lang có thể giống ông hay không.
Sau khi thổn thức xong ông đột nhiên lấy từ trong lòng ra một miếng ngọc bội, thần bí giao cho Ngôn Nhị Lang.

Ngôn Nhị Lang có chút ngây ngốc.

Cha Ngôn lại bí ẩn nói: “Đây là lúc mẫu thân con còn trên đời đã đưa ta và dặn phải cất kỹ.

Đây là tín vật đính ước tổ truyền của nhà chúng ta.

Nhưng mấy đứa các con nhiều quá, vi phụ chẳng biết truyền cho ai…… Nghĩ tới nghĩ lui thôi thì truyền cho con.”
Ngôn Nhị Lang hơi đờ đẫn nói: “…… Đại ca mới vừa thành thân, đại tẩu cũng chưa nhìn thấy ngọc bội này.

Con đi Trường An để khảo thí, ngài lại đưa tín vật đính ước cho con là sao?”
Cha Ngôn nôn nóng nói: “Vi phụ chính là muốn thúc giục con đừng chỉ nghĩ tới thi cử và sự nghiệp mà mau mau cưới vợ sinh con đi thôi! Con đến Trường An nhờ lão sư tìm cho một mối hôn sự tốt, khẳng định so với ở Lĩnh Nam thì tốt hơn nhiều.

Nương tử gia đình tốt ở Trường An có lẽ chướng mắt thứ khác nhưng ngọc bội đính ước tổ truyền của nhà chúng ta thì hẳn là không đến nỗi đúng không?
Tóm lại con đã 18 rồi, tốt nhất năm nay thành thân đi, sang năm cho ta ôm cháu! Trong nhà con là lão nhị, đại ca con đã thành thân, con đừng để đệ đệ và muội muội bên dưới không thể thuận lợi bàn việc hôn sự.”
Ngôn Nhị Lang bất đắc dĩ nhận lấy ngọc bội.

Nhưng trong lòng chàng lại không cho là đúng.

Hiển nhiên chàng chỉ một lòng cầu chức quan, không để ý tới chuyện hôn nhân.

Tháng giêng năm đó thị nữ và hộ vệ trong phủ công chúa nhận được thư mới nhất của Ngôn Nhị Lang.

Công chúa hôm nay không ở trong phủ, mà nàng ấy cũng đã sớm không quan tâm đến Ngôn Nhị Lang thế nên mọi người tự nhiên không đợi nàng về mà cứ thế đọc tin.
Xuân Hoa và Phương Đồng bị vây quanh ở giữa, Xuân Hoa cất giọng mềm mại đọc nội dung trong thư cho mọi người: “…… Nhị Lang nói hắn đã tới Trường An, ngày khác có cơ hội sẽ đến gặp chúng ta.”
Mọi người đều hoan hô.

Một năm thư từ qua lại khiến bọn họ đều thích Ngôn Nhị Lang.
Xuân Hoa lại á một tiếng nói: “Ngôn Nhị Lang nói lão sư của hắn đã sửa tên của hắn từ Ngôn Thạch Sinh chuyển thành Ngôn Thượng……”

Mùa xuân băng tan, Trường An ấm dần lên.
Ngôn Nhị Lang được lão sư cho tên mới, hiện nay chàng là Ngôn Thượng.

Lúc này chàng đang đứng trên con đường ở Trường An.

Trong thành quan lại tụ họp, ngựa xe như nước.

Lúc đầu chàng bị phồn hoa của nơi này dọa cho có chút khó thích ứng.
Nhưng sau khi cùng đoàn xe của người Hồ đi vào thành, nhìn thấy nhiều bá tánh hơn, đầu đường là hàng quán náo nhiệt khiến chàng cảm thấy vô cùng thú vị.
Ngôn Thượng mua một cái bánh tên là “Cổ lâu tử” để ăn.

Ăn được một chút chàng cất phần còn lại vào tay nải sau đó hứng thú dào dạt mà nhìn đường phố không chớp mắt.


Đột nhiên có một đám người cưỡi ngựa từ phương xa chạy đến.

Người trên đường cuống quýt tránh ra, Ngôn Thượng tự nhiên cũng thế.
Chàng vốn đang xem náo nhiệt, vừa tùy tiện nhìn thì thấy trong đám nam nữ quý tộc quần áo tươi đẹp đang cưỡi ngựa trên đường có một nữ lang cầm đầu.

Nàng mặc váy hoa, cài trâm vàng, tiếng trâm kêu leng keng thanh thúy, đồng hành với một vị lang quân mặc áo gấm ở bên cạnh.

Đối phương nhanh hơn nàng một bước nhưng nàng cũng không nóng nảy.
Mảnh vải trên mũ có rèm bị gió thổi tung bay lộ ra khuôn mặt của nữ lang.

Làn váy trên lưng ngựa tươi đẹp mà đong đưa, khuôn mặt tuyết trắng như nước mùa xuân sóng sánh, váy ngọc phết đất như tầng mây chồng chất.
Thật sự tươi đẹp đầy đủ hương vị khiến mây mù tan ra, mọi thứ xung quanh giống như bị lu mờ.

Ngôn Thượng nhìn nàng cưỡi ngựa mà tới, váy áo tung bay.
Bá tánh vây xem nhẹ giọng bàn tán: “Đó là Đan Dương công chúa phải không? Thật khí thế.”
Mộ Vãn Diêu nhìn thoáng qua đám người trên đường, đột nhiên nghe thấy phía sau có người gọi ——
“Ngôn Tố Thần!”
Một giọng nói ôn nhu như ngọc cất lên: “Lưu huynh đã tới.”
Người sau có giọng nói như châu ngọc lanh lảnh, như lá trúc xôn xao.

Mộ Vãn Diêu hơi dừng ngựa, bỗng dưng quay về phía sau nhìn.

Nàng thấy trong đám người bên đường có một người đưa lưng về phía nàng, dáng như ngọc, hình tựa núi xa.

Người này đang cùng một người khác đi lẫn trong đám người nên không thấy rõ.
Vị lang quân bên cạnh cũng dừng ngựa chờ nàng, đạm mạc hỏi: “Người quen sao?”
Mộ Vãn Diêu lấy lại tinh thần, đôi mắt đẹp liếc nhìn khuôn mặt vô cùng hờ hững của Dương Tam Lang Dương Tự sau đó nhịn cười nói: “Nào có? Chắc là ta nghe lầm.”

Ở phủ công chúa thị nữ Xuân Hoa đang đọc từng chữ rõ ràng ——
“Sửa tên là Ngôn Thượng, tự Tố Thần.

Thượng là ở trên, có kính có sùng bái.

Tố Thần chính là ý thần tử của Tố Vương.

Tố Vương là tôn xưng của Khổng Tử (Tố Vương ý là không phải vua nhưng có quyền lực như vua).

Lão sư đặt tên như thế là muốn ta tu đạo của Khổng Tử, truyền kinh thư cho thiên hạ, tu sửa văn sử cổ kim.”