Bụng Lan Giác thót lại, lập tức cúi đầu nói: “Cảm tạ đức ân hoàng thượng gửi gắm, thần tài sơ lại thấp hèn, chỉ sợ…”

Vĩnh Tuyên đế chặn câu nói của y lại: “Tài học lẫn cách hành sự của Lan ái khanh trẫm trước giờ rất tin tưởng. Thứ nhân Khải Đàn lưu vong tứ xứ, trẫm chỉ sợ nó vẫn không biết hối cải, ngày càng sa đoạ. Tuyển chọn hiền sư dạy dỗ, có lẽ chỉ có thể chấn chỉnh được một hai phần. Trẫm vốn cảm thấy Lan ái khanh là lựa chọn thích hợp nhất, nhưng ái khanh làm việc ở Lễ bộ, chức trách quan trọng, trẫm không thể vì một Khải Đàn mà bỏ mặc việc triều chính không lo. Vừa hay ái khanh xin nghỉ phép, trẫm mới hỏi ý ái khanh. Chỉ là trong kỳ nghỉ mà ái khanh vẫn phải cực khổ, thứ dân Khải Đàn lại làm người ta chán ghét như vậy, trẫm phải mở lời với ái khanh quả thực xấu hổ vô cùng.”

Lan Giác vội cúi đầu đáp: “Thần tư chất tầm thường thế này nhưng có thể được hoàng thượng phó thác, đó là phúc phần của thần, cũng là ân điển của hoàng thượng đối với thần. Thần nhất định phải cố gắng hết sức mình. Chỉ sợ hầu hạ Đại vương không chu đáo lại phụ lời dặn của vua.”

Chuyện này…quả thực khó giải quyết, mà quả thực cũng là một cơ duyên.

Chắc chắn chẳng qua bao lâu Đại vương sẽ được khôi phục vương hàm, có được kinh nghiệm phụng chỉ vua dạy bảo Đại vương thế này, lý lịch bản thân tất nhiên sẽ thay đổi rất lớn. Đợi đến sau này khi có hoàng tử, lúc tuyển chọn thầy giáo thì sẽ càng có nhiều khả năng được chọn.

Việc này cho thấy điều gì tất không cần phải nói nhiều.

Từ góc độ này mà nói, đích thực Vĩnh Tuyên đế đã trọng thưởng cho y.

Chỉ là phần thưởng này thật không dễ lấy.

Đại vương vốn tính kiêu căng, đi tiểu tiện vô pháp vô thiên, ruồi nhặng trong ngự xí nhìn thấy nó còn phải đi đường vòng. Đối với Hoài vương người mà hoàng thượng và thái hậu phải kính nể ba phần mà cũng dám hô to gọi là hoàng thúc què quặt, gào xong thì nhào đến ôm chân đòi thứ này thứ nọ. Hoài vương cũng chẳng để bụng, muốn cái gì thì cho cái đó. Trong đám hoàng tử yêu thương nó nhất, đồ trong phủ mặc nó tuỳ ý lấy đi.

Một Đại vương như thế này, lại đương tuổi trẻ trâu. Nếu như những đứa trẻ khác là khoai lang mới ra lò thì nó chính là củ khoai lang được vớt lên từ chảo dầu.

Thế này thì làm sao mà dạy bảo với quản giáo?

Nếu quản nghiêm quá thì lại đắc tội với Đại vương, những ngày sau này nhất định không ổn.

Nếu cứ bỏ mặc, cỏ dài chim bay, ruộng đồng thẳng cánh, được dịp tung cánh, Đại vương chắc chắn sẽ gây chuyện.

Xảy ra chuyện thì phải bị liên luỵ rồi gánh tội.

Mà được Đại vương yêu thích quá cũng chẳng phải chuyện hay ho gì.

Phải thật đúng mực, quản chắc mọi sự, chỉ một sai lệch nhỏ như mấy chấm sao trên trời thôi cũng sẽ gặp hiểm nguy trùng trùng.

Huyệt thái dương của Lan Giác đập loạn xạ, chẳng biết nên đốt hương hay đốt giấy cho bản thân mình đây.

Hơn nữa, còn có…Lan Huy.

Lan Giác không thể không nói: “Chỉ là…chuyến này thần cúng mộ gia đình, nên có mang theo liệt tử…”

Y vốn muốn nhân kỳ nghỉ này làm tròn trách nhiệm của một người cha, dẫn Lan Huy đi chơi, đi chèo thuyền, câu cá này, cưỡi ngựa này, còn cả thả diều nữa.

Lan Huy đã vô cùng mong đợi chuyến đi này, mấy ngày nay đều quên béng làm ra vẻ người lớn, thường hay leo lên đùi Lan Giác hỏi cách câu cá thế nào, rồi lên núi có khi nào gặp cọp hay không. Ngô Sĩ Hân nói với Lan Giác rằng, Lan Huy dạo này hay len lén luyện quăng đầu đạn ném phi tiêu, còn lấy quyển “Sơn hà dị thú chí” trong thư phòng của Lan Giác ra nghiên cứu nữa.

Đùng một cái lại bị chuyện này phá hỏng, biết phải ăn nói thế nào với Lan Huy đây?

Vĩnh Tuyên đế hỏi: “Con trai của Lan ái khanh có phải sàng tuổi với Khải Đàn không?”

Lan Giác đáp: “Liệt tử của thần năm nay mới chín tuổi.”

Vĩnh Tuyên đế cười nói: “Kém bốn tuổi nhỉ, không nhiều lắm, có thể chơi cùng được. Chỉ cần Lan ái khanh đừng lo việc con mình bị Khải Đàn làm hư là được.”

Lan Giác thật sự rất muốn nói, hoàng thượng người quá anh minh.

Học hành cùng với hoàng tử không phải là chuyện dễ dàng gì. Lan Huy chỉ là con của một tiểu quan tam phẩm mà thôi.

Lỡ như nó học được trò gì đó từ Khải Đàn, rồi sinh ra sự hiếu kỳ quái dị với thế giới này, tỉ dụ như lén chui ra hoa viên nhìn lão Tống rửa mặt chẳng hạn…

“Liệt tử ngu dốt, chỉ sợ không thể cùng với Đại vương…”

“Đại vương gì chứ, chỉ là thứ dân Cảnh Khải Đàn thôi.” Vĩnh Tuyên đế nghiêm nghị nói, “Trẫm muốn nói với Lan ái khanh rằng, đành phải uỷ khuất ái khanh tạm thời làm thầy của nó rồi. Trẫm ban cho khanh một cây thước, có chỗ nào không đúng, đáng phạt thì phạt, đáng đánh thì đánh.”

Lan Giác ôm cây thước được ban tặng lui ra khỏi ngự thư phòng. Trước lúc sắp rời đi, Vĩnh Tuyên đế lại nói: “Lan ái khanh bắt đầu nghỉ phép là đầu tháng ba nhỉ?”

Lan Giác đáp: “Dạ vâng.”

Lời này đã biến thành mệnh lệnh, trước tháng ba phải giải quyết triệt để vấn đề Sát Bố Sát Lý Khắc…

Lan Giác thầm thở dài một cái, ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh trải dài phía trên tầng tầng lớp lớp cung điện nguy nga.

Trương Bình ra khỏi thành Nam, men theo con đường đi thẳng lên núi Thọ Niệm.

Đường lên núi Thọ Niệm được sửa sang lại rộng không kém gì đường cái quan. Cây cối hai bên đường được cắt tỉa ngay ngắn thẳng hàng. Đi không bao xa đã thấy một tấm bảng gỗ chỉ hướng đi, trên bảng còn khắc hình vẽ một đồng tử đang chắp hai tay cười hi hi, điệu bộ vô cùng vui vẻ.

Dưới chân núi có một miếu thờ, trên viết bốn chữ “Linh Từ Phúc Địa”, hai bên miếu thờ cũng có hình đồng tử được tạc đá, tượng bên trái ôm cá chép, tượng bên phải bưng như ý, tóc chẻ ngôi giữa, cổ đeo vòng, yếm đỏ quần xanh lá, cổ tay cổ chân đều có một bộ vòng vàng, chân trần đạp trên hai đám mây.

Nhìn độ mới cũ của miếu thờ và hai bức tượng đồng tử thì thấy có lẽ đã được xây khoảng bốn, năm năm rồi.

Màu sắc trên người đồng tử, phấn vàng phủ lên vòng đeo cổ và ở chân tay đều mới được sơn phết lại, khi đến gần có thể ngửi thấy mùi.

Đi qua miếu thờ sẽ thấy một đỉnh hương lớn bằng đồng, ở phần bụng có khắc tám chữ “Ân cảm hiếu niệm, Thiện tâm giáng phúc”. Những chữ này bị khách hành hương sờ đến sáng bóng lên. Ngoài ra còn khắc đầy các con chữ nhỏ, trên bia đá ở hương đỉnh của miếu quan thường hay khắc tên những người quyên tặng, nhưng cái được khắc trên bia đá ở nơi này dường như lại là tên của các hiệu buôn: Đại Phúc Duyên, Thiên Hương Đường, Công Đức Cư,…

Trương Bình nhìn hai bên trái phải, quả nhiên, ở hai bên chỗ trống dưới bậc thềm đá đều là các phòng xá được dựng thành dãy, xây những mặt tiền be bé để ngăn cách nhau, treo đầy các cờ xí môn biển to nhỏ khác nhau: Công Đức Cư, Thiên Hương Đừơng, Đại Phúc Duyên,…

Phía bên trong là đủ các bó nhang, đấu hương, đèn dầu, búp bê bằng giấy.

Trên góc trái có cờ xí và môn biển, còn có chữ Lễ to màu đỏ thắm.

Mé trái cạnh bên dãy hàng quán đó còn có một gian phòng nhỏ, không có môn biển, chỉ đóng độc nhất một cái bảng, trên đó viết chữ Lễ. Trương Bình đi đến đó, chỉ thấy bên trong có hai người đàn ông mặc áo bào xanh đang ngồi, y phục giống như của quan Lại, trước bàn có đặt vài cái khay sơn, trong đó đựng những bảng chữ Lễ đỏ thắm to nhỏ khác nhau.

Trương Bình hành lễ hỏi thăm, một người đàn ông nói, mua bài phù ở đây thì có thể đi đến bất cứ tiệm nào có ký hiệu chữ Lễ để đổi lấy nhang. Một bài nhỏ đổi một bó nhang hoặc một xâu pháo, một bài vừa đổi một búp bê giấy hoặc chén đèn hương, còn bài to thì đổi đấu hương.

Mua bài phù rồi đến trước miếu ở trên núi đổi lấy nhang, tiết kiệm được đoạn đường lên núi, đỡ phải phí sức.

Ở miếu Mụ Mụ có thể quyên góp bài phù để đổi lấy bữa cơm chay. Quyên hai bài nhỏ thì được một bữa cơm, bốn món một canh, ngồi tuỳ ý trong đại đình, một bàn mười người. Quyên bài cỡ trung thì được bữa cơm sáu món một canh, tám người một bàn. Quyên bài cỡ lớn thì được ngồi trong nhà trong dùng bữa, sáu người một cỗ, mười hai món hai canh, trước bữa cỗ còn có bánh kẹo đã dâng qua cho Mụ Mụ.

“Đây là bài phù đặc chế của Lễ phòng Huyện nha, dùng khuôn đúc của quan, không thể làm giả được. Hai người chúng tôi là người của Lễ phòng, túc hạ có thể yên tâm đi đổi, không cần phải lo lắng. Bài phù chưa dùng hết có thể đem đi đổi thành tiền, cũng có thể để dành lần sau dùng. Trên núi cũng có đồng liêu của tôi, nếu hương được đổi có đốm hay gì, hoặc chủ quán không chịu đổi cho, có thể đến nói với chúng tôi. Vì mấy ngày nữa là ngày một tháng Ba, nên người đổi sáu miếng bài nhỏ trở lên, hoặc một cặp bài cỡ trung hoặc một bài cỡ lớn sẽ được tặng một cái túi hương hoặc túi gút đầu để đeo khi hành hương lên núi.”

Nói xong người đàn ông đem túi hương ra cho Trương Bình xem, trên túi vải có hoa văn chữ Phúc màu nâu bạc viết hai hàng chữ lớn:

“Bái lạy Mụ Mụ trên núi, càng thêm tôn kính chư lão trong nhà – Lễ phòng Huyện nha Phong Lạc.”

Góc phải sau lưng còn có một hàng chữ nhỏ: “Cẩm Xương Bố trang quyên chế.”

Trương Bình cẩn thận suy xét một lúc, có nên lên núi hay không đây.

Dù sao đến thì cũng đã đến rồi.

Trương Bình liền lấy tiền ra đổi lấy hai tiểu bài rồi cưỡi ngựa đi lên núi.

Bậc thang dẫn lên núi cũng được tu sửa lại vô cùng chỉnh tề, mỗi bậc đều không quá cao. Đi hết sáu bậc thì có một chiếu nghỉ, sau đó lại lên sáu bậc nữa, chiếu nghỉ không một bóng rêu xanh, có thể nhìn thấy những chỗ bằng phẳng để bước lên đều có dấu vết được mài giũa qua. Dọc theo con đường có vài sạp trà, vô cùng gọn gàng sạch sẽ. Chỗ lưng chừng núi còn có một dòng suối động, nước trong veo chảy cuồn cuộn, trên vách núi khắc ba chữ lớn “Phúc Thọ Tuyền”. Người lên núi tranh nhau đến dòng suối vốc nước lên mà uống.

Cạnh bên dòng suối là con cóc bằng đá đang há to miệng. Mọi người đều chen nhau đến ném tiền xu vào miệng con cóc. Ngay cạnh suối còn có một cái lều nhỏ, ông lão trong lều bày bán ống trúc và những quả hồ lô to lớn có khắc chữ Phúc chữ Thọ, còn có tiền Như Ý đã được làm phép trong miếu Mụ Mụ dùng để ném vào miệng con cóc. Một tấm bài chữ Lễ có thể đổi lấy hai đồng tiền Như Ý hoặc một ống trúc. Hai tấm bài chữ Lễ đổi lấy hồ lô Phúc Thọ.

Ông lão nói với Trương Bình, trước miếu Mụ Mụ có cầu Phúc Lai, tiền Như Ý đổi ở đây cũng có thể ném vào bức tượng dơi vàng ở trên cầu và tượng cóc bằng ngọc dưới chân cầu.

Trương Bình lặng lẽ quay người, tiếp tục cưỡi ngựa về trước.

Ở nơi này đã có thể ngửi thấy mùi nhang khói trên núi và tiếng chuông mơ hồ vọng lại từ xa. Trước mặt Trương Bình có một cặp già trẻ dường như là mẹ chồng nàng dâu, người nữ dậm chân: “Muộn rồi, muộn rồi, chắc chắn không giành được linh lộ rồi!”

“Mới có một hồi chuông, nhanh chút nữa chắc kịp mà.”

Hai người họ cố sức tiến về trước.

Lại có một nhóm phụ nữ trẻ con vượt qua Trương Bình, ào lên đỉnh núi.

Trương Bình cũng theo họ vội bước nhanh hơn.

Lúc lên tới đỉnh núi liền nghe thấy chín tiếng chuông vang lên. Trương Bình lập tức nhìn thấy một bầy ong đông nghìn nghịt lao vào một thạch đài, trên thạch đài có một bức tượng đồng tử được đúc bằng đồng trên đầu có một cái chén lớn, vài nha dịch và đạo nhân cao giọng bảo mọi người xếp thành hai hàng ngay ngắn. Một vị Tiểu lại người mặc bào xanh đội mũ ô sa và một đạo nhân tay cầm phất trần, mỗi người đứng một bên bức tượng đồng tử.

Tiểu lại cất cao giọng nói: “Chư vị đừng chen lấn, cái gọi là linh lộ chẳng qua chỉ là thiên cảm giáng hoá thành, gọi là sương sớm, tin ắt có, không tin ắt không có, không cần phải điên cuồng như vậy.”

Đạo nhân cũng nói: “Thành tâm tự khắc có thần tiên bảo hộ, thành tâm ắt linh nghiệm.”

Đám người bên dưới lại gào khóc thúc giục. Vài nha dịch bắt thang lên bức tượng đồng tử rồi đỡ thang cho một đạo nhân leo lên, người này múc nước từ trong cái chén trên đầu bức tượng đồng tử rồi chia ra cho vài đạo nhân khác phân phát cho mọi người.

Trương Bình nhìn thấy, cách tượng đồng tử không xa có một gian phòng nhỏ cũng treo bán mấy ống trúc hồ lô y hệt như sạp bên cạnh dòng suối.

Hắn đi lòng vòng bên ngoài miếu trước, tìm vài người hỏi thăm. Quả nhiên ánh mắt mấy kẻ đó đều sáng quắc, mặt mũi hồng hào nói, miếu Mụ Mụ thật sự rất linh đấy! Cầu phúc thêm phúc, cầu thọ thêm thọ, cầu nam được nam, cầu nữ được nữ!

Trương Bình lại hỏi: “Tại hạ lần đầu tiên đến quý huyện, không biết sự tình, dám hỏi Mụ Mụ rốt cuộc là thượng tiên phương nào?”

Những người được hỏi đều đồng loạt chỉ một tấm thạch bích: “Này, ở đó có ghi hết đấy.”

Trương Bình thong thả đến chỗ thạch bích, trên đó khắc một bài văn:

“Từ Thọ Mụ Mụ, thần tích lần đầu xuất hiện ở ngoại ô huyện Phong Lạc. Gửi thân nơi thạch cữu, ẩn hiện trong lòng giếng, nông phu lo lắng u sầu, dời nơi mai táng, phụng dưỡng lập miếu, người cầu xin đều cảm thấy vô cùng linh nghịêm, hương khói ngày càng dày…”

Trăm con chữ phong phú đa dạng. Người viết hoá ra lại chính là danh sĩ kinh thành Mộ Diệp Sinh.

Xem niên đại thành văn, là của bốn năm trước.