Sau khi nói dứt câu này, ông cụ bỗng dừng lại.

Câu chuyện này, nhiều năm về sau ông vẫn luôn cảm thấy thật quá đỗi khó tin. Nói đến chỗ mấu chốt, ông cụ rất thản nhiên muốn giở chiêu úp úp mở mở, để Trương Bình nóng lòng đến nỗi phải mở miệng truy hỏi.

Thế nhưng…ông cụ lại nhìn thấy gương mặt tỉnh bơ như không của tên thiếu niên này…

Và cả ánh mắt có chút trống rỗng của hắn…

Chẳng lẽ là đang thất thần ư?

May thay, Trương Bình chỉ trầm lặng một chốc rồi ánh mắt lại loé sáng, thần trí tập trung một lần nữa, bật ra một tiếng “Hả?”

Tâm trạng đang chùng xuống trong sự hụt hẫng của ông cụ kịp thời quay trở lại, dưới ánh mắt chăm chú của Trương Bình, ông cụ tự rót cho mình một bát trà, hớp một ngụm, vuốt vuốt chòm râu rồi mới nói: “Chuyện này kể ra càng thêm kỳ quặc. Bên ngoài thôn Đại Uyển có vài nơi phong thuỷ rất tốt, vốn là muốn lấy đó làm nơi mai táng cho Mụ Mụ. Nhưng chẳng ngờ rằng dù có cố cỡ nào cũng chẳng nhấc nổi cái quan tài đó lên. Mọi người sợ đến nỗi lại phải chạy đi mời thầy pháp về tụng kinh rồi thắp nhang thêm lần nữa.”

Tiêu Nhị cảm thấy, có thể Mụ Mụ thích nhà của ông ta, dù sao ông ta cũng chẳng dám ở lại cái nơi đã đào lên một cỗ quan tài, thôi thì để cho Mụ Mụ vậy, không nên làm phiền đến lão nhân gia thì tốt hơn.

Nhưng tiên sinh trong huyện lại nói, Mụ Mụ vốn đã chọn Tiêu Nhị là người đào bà ấy lên, nhất định sớm đã an bài xong xuôi mọi thứ. Chỗ đó trong thôn không hợp ý lão nhân gia nên bà ấy không muốn đi. Thế là lập đàn lên đồng xin chữ, mời lão nhân gia người đích thân chỉ bảo.

Thế nhưng mời hết người này đến người nọ, thậm chí để cả Tiêu Nhị đi mời, cuối cùng đều chỉ mời đến những kẻ lên đồng viết bậy viết bạ. Tiên sinh trong huyện mới bừng tỉnh, có thể Mụ Mụ chê đám người này không sạch sẽ nên không thèm giáng lâm. Thế là liền đi tìm hai nữ đồng nhưng cũng không thành. Hết cách lại tìm đến hai nam đồng, cũng không nghĩ thế mà lại xin được chữ.

“Lúc đó già đây cũng ở quanh đó, tận mắt nhìn thấy hương khói trong lưu hương cùng bay về một nơi, chuyển động theo con chữ!”

Hai đứa bé trai trong buổi lên đồng đều là trẻ em trong thôn, cả hai đều không biết chữ, nhưng rõ ràng có mấy hàng chữ được viết lên trên mặt cát…

“Tọa cao sơn, nhìn sông dài, trên mây dưới tùng giấu huyền diệu;

Nghiệp kính hứa cần thiện dưới tọa, tự có phúc báo thế vô song.”

“Lão đây từ nhỏ không thích đọc sách, thơ rồi từ càng không thể nhét nổi vào đầu. Nhưng kỳ lạ thay, mấy câu này sau khi nhìn thấy lần đó thì suốt cả đời không cách nào quên được, một chữ cũng không nhớ sai. Có lấy dao khắc vào trong tim thì cũng chỉ nhớ dai được thế này thôi.”

Lần này ánh mắt của Trương Bình vô cùng chú tâm, gật gật đầu: “Vâng.”

Ông cụ có chút hài lòng, lại hớp một ngụm trà, tiếp tục kể chuyện.

Vị tiên sinh trong huyện kia với mấy vị pháp sư đồng đạo cùng nhau phân tích nghiền ngẫm mấy câu này, đoán là Mụ Mụ muốn ở trên núi, hơn nữa còn là núi có cây tùng lớn.

Người trong thôn liền nhớ đến trên đỉnh núi Bánh Bao Lớn ở ngoài thôn có mấy cây tùng cổ. Sau đó nhiều người khác lại đột nhiên phát hiện ra, hướng mà hương khói trong lư bay đến chính là chỉ nơi có ngọn núi Bánh Bao Lớn kia.

Hóa ra Mụ Mụ đã thầm gợi ý từ sớm, chỉ là mọi người ngu dốt, không lĩnh hội được.

Sau khi thôn Đại Uyển làm xong pháp sự liền cung kính đưa quan tài Mụ Mụ lên núi Bánh Bao Lớn mai táng. Cứ như chuyện thần kỳ, người trong huyện trong xã cũng đã đến hết cả. Lần này quan tài của Mụ Mụ nhấc một cái nhẹ là lên. Mấy hậu sinh vác quan tài lên núi xong cũng không cảm thấy mệt gì.

Sau khi mai táng Mụ Mụ xong, mọi người đều cảm thấy, nếu cứ gọi núi Bánh Bao Lớn là núi Bánh Bao Lớn thì có vẻ không kính trọng Mụ Mụ gì cả. Trước kia vì hình dáng ngọn núi này tròn tròn đôn lên giống như cái bánh bao nên cứ thế mà gọi luôn. Nhưng bây giờ núi này là nơi an táng Mụ Mụ, chẳng lẽ lại để Mụ Mụ làm cái núm trên đầu bánh bao? Hay là làm hạt đậu xanh trên đầu cục xíu mại thân thiết của màn thầu?

Quá sức thất kính rồi.

Thế là những người trong thôn quanh đấy đầu tiên sửa lại gọi núi này là núi Mụ Mụ. Đợi sau khi Tạ Tri huyện nhậm chức mới có cái tên là núi Thọ Niệm như ngày nay.

Trương Bình nghe ông cụ kể xong câu chuyện, trên mặt lại hiện lên nét trầm tư. Ông cụ xem vẻ tư lự chìm trong suy tư của hắn, vô cùng vui mừng.

Trương Bình lại uống thêm một chén trà, cáo biệt ông cụ, leo lên ngựa hướng về phía thôn Từ Thọ.

Nơi quan tài được đào lên rất dễ tìm. Những người muốn đến nơi đầu tiên tìm thấy thần tích của Mụ Mụ giống như Trương Bình đây thật không ít, người trong thôn sớm đã nhìn quen mắt, liếc thấy Trương Bình mặt mày lạ hoắc mặc trường sam liền chủ động dừng lại bên đường, chào hỏi Trương Bình, lập tức chỉ đường cho hắn.

Khi Trương Bình đến nơi, quả nhiên nhìn thấy một miếu quán nho nhỏ đúng như lời cụ Quách nói. Bốn phía ngôi miếu được bao quanh bởi cọc trúc nhưng nếu sải bước đi qua những khe hở vẫn có thể vào trong được. Xem ra không ít người đều làm như thế rồi. Trúc sậy xiêu xiêu vẹo vẹo, chỗ này cao chỗ kia lại thấp.

Trước hết, Trương Bình lượn mấy vòng bên ngoài vòng rào trúc, bị vây lại như thế này, có lẽ là tính xây sửa lại, rất nhiều gạch được chất trong cái lều ngoài khu đất trống, cửa sổ bị gãy được cố định lại tạm thời, hai cánh cửa sổ hai bên cửa chính méo mó vặn vẹo, hệt như gương mặt nhát ma là minh chứng cho sự xuống cấp của ngôi miếu nhỏ. Dưới mặt đất còn có dấu vết do dùng sơn vẽ, dự tính xây một ngôi miếu mới to gấp ba lần ngôi miếu cũ này.

Trương Bình lại chen vào bên trong vòng rào trúc, đi đến cạnh bên đống đất trước mặt đạo quán.

Quả nhiên sau đống đất đó là một cái mép giếng hình tròn.

Mép giếng loang lỗ cũ kĩ, được đắp thêm một lớp đất mới lên, lòng giếng cũng lộ ra vết tích bùn đất. Nhìn dấu tích mép giếng, phía trên và bốn phía, có lẽ lúc trước có một phiến đá đậy lại, gần đây mới lấy ra mà thôi, dự là muốn đào lại lần nữa.

Trương Bình dùng cánh tay ước lượng kích cỡ miệng giếng, rồi lại nhặt một cành cây chọt chọt vào đống đất, nhưng vẫn chưa tìm ra dưới lớp đất có chôn cái gì không.

Có thể lúc phiến đá bị nhấc lên đã bị người ta chuyển đi rồi.

Trương Bình lại đi vài bước trước miếu quán, quan sát xung quanh nhưng chưa vào trong đạo quán đó đã chui ra khỏi vòng rào gậy trúc.

Hắn lại cẩn thận xem xét bốn phía rồi dắt ngựa quay người rời đi. Vừa mới đi được vài trượng, phía trước giao lộ đột nhiên xuất hiện một tên hậu sinh chống một cái xiên bằng sắt to tướng, nhe ra hàm răng đã ngả màu về phía hắn.

“Công tử kia ơi, quan phủ đã có lệnh, đất này không được tự ý đi vào.”

Trương Bình dừng ngựa: “Ố?”

Hậu sinh bước ra giữa đường nói: “Nhưng vừa nãy công tử vào mất rồi, làm sao bây giờ?”

Trương Bình đáp: “Chỉ xem thôi.”

Hậu sinh xăn cổ tay áo: “Xem? Chính là không muốn cho xem nên mới rào lại đấy. Mới nãy huynh chui rào vào phải không?”

Trương Bình đáp: “Ừ.”

Hậu sinh di chuyển cái xiên trong tay: “Quan phủ có lệnh, hễ có người dám tự tiện xông vào thì lập tức trói gô lại giải về nha môn trọng phạt.”

Trương Bình đáp: “Ồ.” Rồi trưng ra bộ mặt thản nhiên mời đến trói tôi đi.

Hậu sinh chờ một hồi, chẳng thấy hắn có phản ứng gì nữa mới lại làm ra vẻ đang đánh giá hắn: “Tôi thấy công tử hình như là người đất khác nên không biết quy tắc.”

Trương Bình nghiêm túc đáp: “Tội đã phạm rồi, bất kể biết hay không.”

Tên hậu sinh kia trợn mắt nhìn hắn, hồi sau mới nhếch mép nói: “Nhưng mà muốn tôi bắt công tử rồi cứ thế này giải đến quan phủ, chẳng phải rất không hợp với đạo làm người hay sao.”

Trương Bình lại nghiêm túc đáp: “Không cần tự trách, giải lên quan là việc hợp lẽ thường.”

Hậu sinh một lần nữa trợn mắt ngó Trương Bình, trong lòng không cầm được mà chửi như tát nước. Mẹ nó, có cần phải vậy không? Nhìn bộ dạng cũng đâu có nghèo, chỉ là mười hai mươi văn tiền thôi mà làm tới nước này luôn hả trời! Bà mẹ cái thằng không biết từ xó xỉnh nào chui ra đây.

Cho hắn một thẹo?

Hậu sinh hung hăng nhìn Trương Bình. Loại người này, đáng cho ông đây tốn công tốn sức ư?

Không đáng dính một thẹo của ông đây nhá!

Hậu sinh phun một bãi nước bọt: “Được rồi, đi đi!”

Trương Bình đầy vẻ chân thành chắp tay với gã: “Đa tạ” rồi chậm rãi leo lên ngựa.

Con ngựa thong dong thả bước về trước, tên hậu sinh cố kìm cơn kích động muốn lấy cái xiên xiên lên mông ngựa một cái mà nhổ một bãi nước bọt nữa, nhìn bóng dáng Trương Bình dần đi xa, lại hận không thể moi bọc tiền từ trong ngực ra nện vào cái lưng của hắn.

Mẹ kiếp, chưa từng gặp qua kẻ nào như vậy!

Trương Bình trở lại huyện thành nghỉ một đêm rồi trở về Huyện Nghi Bình.

Bản mặt của Trương Bình cũng xem như quá quen thuộc đối với Huyện Nghi Bình rồi. Trước khi hắn vào đến cổng thành thì đã có người chạy xồng xộc vào trong huyện nha báo cho Thiệu Tri huyện biết.

Thiệu Tri huyện vui mừng đến nỗi giàn giụa cả nước mắt nước mũi, đích thân đứng trước đại môn nghênh đón, báo cho Trương Bình biết, Lại bộ phái người đến, đã ở trong hành quán của huyện nha chờ Trương Bình hai ngày rồi.

Đại vương bị lưu đày đến Huyện Phong Lạc, nếu thời gian lưu đày lại rơi vào lúc hai vị Tri huyện thay chức thì thật không ổn. Lại bộ bèn vội vàng phái người đến báo cho Trương Bình đến nhậm chức trước.

Tiểu lại đến báo tin phụng mệnh nhất định phải chính miệng mình thông báo với Trương Bình, sau lập tức đưa hắn đến kinh thành. Nhưng ai ngờ đến Huyện Nghi Bình rồi, Trương Bình lại không có, chẳng biết đã đi đâu mất, tiểu lại chờ đã hai hôm, bứt rứt đến độ bụng sắp phát hỏa.

Thời khắc nhậm chức vô cùng quan trọng, ấy vậy mà lại tự tiện rời vị trí cũ bỏ đi chơi xuân. Sống nửa cuộc đời rồi, thật chưa bao giờ nhìn thấy ai làm quan như tên này!

Tiểu lại cố dằn cơn tức giận lại, chưa bộc lộ ra, đợi khi trở về ti bộ rồi sẽ báo cáo việc Trương Bình thất trách sau vậy. Chuyện của Đại vương, hoàng thượng thánh dụ, khó tránh quan lại địa phương vì thân phận của Đại vương mà sinh ra việc thiên tư, không thể để lộ ra được. Cho nên tiểu lại cũng không nhắc đến, chỉ đơn giản báo với Trương Bình lập tức lên đường. Đi suốt đêm vào thành.

“Nghỉ một ngày cũng không được à?” Thiệu Tri huyện xin giúp cho Trương Bình, “Trương đại nhân tuy đến Nghi Bình chưa lâu nhưng rất được bá tánh yêu quý. Mọi người cũng muốn tiễn Trương đại nhân lắm.”

Tiểu lại xụ mặt nói: “Nhậm lệnh khẩn cấp, không thể trì hoãn được, nếu không bị trách phạt thật khó lòng gánh nổi.” May mà mấy ngày này, Thiệu Tri huyện dâng đồ ăn thức uống khiến gã vô cùng vừa ý, nên cũng nhân nhượng cho Trương Bình uống ngụm trà.

Trương Bình cũng không nói nhiều, công vụ mà hắn phải chuyển giao đều đã được sắp xếp giao đâu đấy xong xuôi. Lúc này rất nhanh chóng gom đồ đạc lại thành một bọc đồ nhỏ, rồi cáo biệt với Thiệu Tri huyện và các đồng liêu trong huyện nha, sau đó cùng với người của Lại bộ rời đi.

Thiệu Tri huyện dẫn các đồng liêu trong huyện nha tiễn hắn đến ngoài cổng thành, rất nhiều bá tánh nối đuôi theo đi xem, nên cảnh tượng đưa tiễn lại có vài phần oai nghiêm.

Trương Bình vái chào Thiệu Tri huyện, chúng đồng liêu và bá tánh, lại ngước mắt nhìn ba chữ “Huyện Nghi Bình” trên cổng thành, sau đó quay người thúc ngựa tiến về phía trước.