Lệ Xuân xuất ngoại với danh nghĩa cầm đầu đoàn đại biểu Sài Gòn dự hội nghị Liên hiệp các nghị sĩ thế giới. Mặc dù hội nghị lần này tổ chức tại Belgrade, thủ đô Nam Tư, một nước Cộng sản, báo chí Sài Gòn gần như không khai thác khía cạnh độc đáo ấy – đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa chống Cộng khét tiếng có mặt ở một nước Cộng sản, sẽ được đón tiếp theo nghi thức dành cho dân biểu – mà xoay quanh danh từ “giải độc.” Tuyên bố của Lệ Xuân vẫn nảy lửa: thóa mạ giới Phật giáo, xỉa xói Mỹ. “Họ cần diêm quẹt và xăng không? Tôi sẽ cấp cho.” Mụ nói về các vụ tự thiêu đã xảy ra hoặc dự định. Hà Như Chi, Phó đoàn, giải thích với báo chí về chuyến đi như là một nhu cầu bức thiết và hoàn toàn chủ động của Việt Nam Cộng hòa.
Tất nhiên, bộ mặt thật của sự việc chỉ phô bày bên trong các bức tường Dinh Gia Long và tại bữa cơm chia tay ảm đạm này.
- Ta lùi một bước rồi đó! – Cuối cùng, Lệ Xuân ném cái hậm hực ra bàn ăn, khuấy động không khí – Sẽ tới lượt anh Nhu. Còn ai nữa?
Giám mục bỗng đằng hắng. Diệm từ từ cúi đầu xuống dĩa súp. Dư luận chưa được thông báo song cả nhà đều biết Khâm mạng Tòa Thánh truyền đạt chỉ thị của Vatican gọi Giám mục đầu tháng mười sang La Mã yết kiến Giáo hoàng.
“Thế là lùi tới hai bước!” Luân hiểu như vậy.
Tình hình vài hôm nay tạm lắng dịu đôi chút. Học sinh lai rai trở lại trường, song chủ yếu không phải để học. Truyền đơn, báo tay tràn ngập, nhất là những loại mang danh nghĩa Phật giáo.
- Em định chấm dứt giới nghiêm từ trưa ngày mười bốn tới – Nhu nói với Diệm, tránh câu hỏi của Lệ Xuân.
- Ừ! – Diệm buông thỏng.
- Lại lùi! Battre en retraite(3)! Lùi tận đâu? – Lệ Xuân quắc mắt ngó chồng.
(3) Vừa đánh vừa rút lui
- Phải chận trước một số nước nêu vấn đề Phật giáo ở ta tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Phức tạp lắm! – Nhu nói trổng.
- Mặc kệ họ... Việc gì họ lại xía vô nội trị của ta?
Lệ Xuân hung hăng tuy rằng mụ cũng rất lo khả năng “quốc tế hóa” vụ Phật giáo.
- Tiến triển ở Liên Hiệp Quốc đến đâu rồi, hả cháu Luân? – Diệm hỏi.
Luân trình bày vắn tắt: Ngày 4-9, có mười sáu nước gồm Afghanistan, Algérie, Cambodia, Sri Lanka, Guinée, Ấn Độ, Indonésia, Mông Cổ, Nigéria, Iran, Ruwanda, Sierra Léone, Somalie, Trinité và Tobago, Mali và Népal gửi văn thư cho Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc xin ghi vào chương trình nghị sự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa XVIII vấn đề mệnh danh là “sự vi phạm nhân quyền tại Nam Việt.” Văn thư, kèm phụ bản giải thích, đã gửi cho tất cả hội viên Liên Hiệp Quốc. Rất nhiều khả năng văn phòng Liên Hiệp Quốc sẽ ghi vấn đề vào chương trình nghị sự và Đại hội đồng sẽ xem xét theo thủ tục khẩn cấp. Cũng rất chắc chắn Đại hội đồng sẽ cử một đoàn điều tra sang Sài Gòn...
- Thật là bọn tiếp giáo cho giặc! – Lệ Xuân nói như quát...
- Ông Bửu Hội phản ứng ra răng? – Diệm hỏi.
- Giáo sư đã phổ biến một văn thư phản đối việc đưa một vấn đề đơn thuần nội bộ Nam Việt ra Liên Hiệp Quốc. – Nhu trả lời.
- Em sẽ đến Mỹ! Em phải nói thẳng... Ông Bửu Hội chỉ làm lấy lệ thôi; bà mẹ của ông nằm trong danh sách tự thiêu phản đối chúng ta; ông ta thuộc hoàng tộc... - Lệ Xuân xô ghế, ra khỏi bàn.

- Nếu có phái đoàn điều tra thì có thể gồm những nước nào? – Diệm giả như không để ý thái độ của Lệ Xuân hỏi tiếp.
Nhu ngó Luân, Luân từ tốn:
- Chưa thể chắc chắn, song bằng các nguồn tin tin cậy được, đoàn thế nào cũng có các nước trung lập thuộc châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Trưởng đoàn, đại diện của Vương quốc A Phú Hãn(3), như Hoa Kỳ đang vận động và tên cụ thể là đại sứ Abdul Rama Pazhwak...
(4) Tức Afghanistan
- Một người theo đạo Hồi? – Giám mục hỏi.
- Thưa, đúng vậy.
- Trong mười sáu nước đứng lên chống mình chẳng có nước nào hiểu tình hình thực tế của Nam Việt. – Nhu càu nhàu.
- Anh Luân nói ông đại sứ gì sẽ làm trưởng đoàn? – Lệ Xuân từ bàn của đám nhỏ hỏi vọng sang.
- Tôi đoán và cộng với tin của các hãng thông tấn, của cô Fanfani... Có thể không đúng hẳn. Nhưng, A Phú Hãn đứng đầu danh sách đòi Liên Hiệp Quốc xét vụ Phật giáo ở ta cho nên tôi nghĩ ông Pazhwak sẽ đảm đương trách nhiệm ấy, vì ông là đại sứ của A Phú Hãn tại Liên Hiệp Quốc...
Lệ Xuân bảo Lệ Thủy đưa ụ mảnh giấy và cây bút:
- Tên ông ta viết như thế nào? – Lệ Xuân hỏi Luân.
Dung kín đáo liếc Luân. Cả hai đoán Lệ Xuân ghi Pazhwak vào bảng tên những người mà trong chuyến đi này mụ sẽ tác động đến bằng cách nào đó.
- Tôi sang Mỹ, thế nào cũng gặp bà Kennedy.
Bà Kennedy mà Lệ Xuân nhắc là mẹ của đương kim Tổng thống Mỹ, người đã sang Sài Gòn và Lệ Xuân cùng Diệm chính thức tiếp bà, sau đó Lệ Xuân hướng dẫn bà đi thăm viếng một số cơ sở xã hội, giống như những lần Lệ Xuân cùng Diệm tiếp nhà báo nữ nổi tiếng Suzane Labia, hoàng hậu Thái Lan và nhiều phu nhân khác. Vào những lúc bối rối, người ta thường ảo tưởng – Trần Lệ Xuân nhớ đến mẹ Kennedy và ngỡ rằng bà là cái phao. Luân và Dung gặp nhau trong sự đánh giá này.
Bữa cơm kết thúc sớm. Những chai sâm banh nổ giòn mà ai cũng chỉ nhúng môi.
- Tại sao chúng ta có vẻ thúc thủ? Tại sao? – Lệ Xuân đứng dậy, tay chống lên bàn.
Thái độ ấy khiến Luân nhớ câu chuyện đối đáp giữa Diệm, Nhu và Lệ Xuân mà có người thuật cho anh nghe, trong biến cố 11-11-1960. Lính Dù bao vây Dinh Độc Lập, Nguyễn Chánh Thi kêu gọi Diệm đầu hàng; Diệm đã tuyên bố trên đài phát thanh từ chức và giao quyền cho phái đảo chính. Số phận coi như đã định đoạt, Diệm ngồi thừ trên ghế bành. Nhu cau mày mà chưa tìm ra kế. Diệm hỏi Nhu, uể oải: “Chú định thế nào?” Nhu trả lời, hờ hững: “Anh làm Tổng thống thì anh định đoạt chứ tôi đâu có làm Tổng thống!” Giữa lúc đó, Lệ Xuân giận dữ, chồm tới: “Tại sao chúng ta lại thất bại một cách dễ dàng như thế? Gọi Nguyễn Khánh vào cho tôi!” Nguyễn Khánh hấp tấp vào, đứng nghiêm. Lệ Xuân đi đi lại lại, ra lệnh với từng chi tiết. Khánh dập gót chân, chạy vụt ra khỏi phòng.
- Không thể đầu hàng bất kì mức nào! – Lệ Xuân rít lanh lảnh... - Chúng nó thích đảo chính thì ta cho chúng nó được đảo chính, sợ gì? Thời thế bây giờ không giống 1960 đâu...!

Người hầu gái vào, báo: dân biểu Huỳnh Ngọc Nữ xin gặp Lệ Xuân.
- Ta sẽ trở lại phương pháp đối phó... Tôi bận giây lát – Lệ Xuân ra ngoài.
Diệm và Thục có vẻ lên tinh thần đôi chút, nhưng Nhu thì vẫn trầm trầm. Hẳn Nhu so sánh tình hình 1960 khác bây giờ, khác theo hướng bất lợi cho Chính phủ. Phật giáo là một. Thế của Chính phủ trong Thiên Chúa giáo không như trước – đã xuất hiện nhiều nhóm liên kết với Phật giáo – là hai. Việt Cộng mạnh hơn 1960 gấp bội, là ba. Biết bao người nuôi mộng thay thế Diệm, họ có quân trong tay, là bốn. Mỹ không giấu giếm quan điểm “thay đổi chính sách” ở Sài Gòn, tức ít nhất cũng điều chỉnh bộ máy của Diệm, là năm. Harriman, Hillman, Forrestal, Mac Namara lũ lượt kéo sang Sài Gòn và phúc trình của họ thật là tai hại. Cách đây hai tháng, Mỹ cắt đứt viện trợ cho lực lượng đặc biệt, chỗ dựa chính của Diệm. Tám năm trước, Diệm cũng dùng kiểu đó: cắt viện trợ quân các giáo phái và các giáo phái bị đánh rã dễ dàng. Ngày hôm qua, Cabot Lodge chính thức thông báo với Diệm: Kennedy đang nghỉ mát ở Cape Cod, thông qua đề nghị của Forrestal yêu cầu ông Diệm phải loại Nhu, bằng không, Mỹ sẽ không chịu trách nhiệm về sự ổn định của Sài Gòn.
- Họ kề dao vào cổ chúng ta! – Nhu bảo Luân.
- Bà Huỳnh Ngọc Nữ đến vì việc chi, hỉ? – Diệm hỏi, không ăn nhập gì với câu chuyện đang chi phối tâm trạng mọi người.
- Chắc là bàn phong trào phụ nữ - Nhu trả lời.
- Hay là bàn về hãng giấy Cogido, rạp Rex, nhà sách Xuân Thu? – Diệm quật lại giọng rầu rĩ...
Luân và Dung ra hiệu với nhau, đứng lên xin phép về.
- Anh nhớ việc tôi bàn với anh. – Nhu giữ tay Luân trong tay anh ta hơi lâu – Anh nên xuống Cần Thơ gặp tướng Cao, tiện thể, ghé Mỹ Tho gặp Bùi Đình Đạm.
Luân gật đầu.
- Chú nhắc tôi mới nhớ, đã lâu rồi, thằng Cao không về thăm tôi. – Diệm bảo.
- Có, có về, song anh bận việc nên chỉ làm việc với em...
*
... Luân và Dung có mặt trong số người tiễn Trần Lệ Xuân tại sân bay. Bài ứng khẩu của Lệ Xuân được các nhà báo thu băng tại phòng khách danh dự.
“Tôi sẽ trở về, nhanh thôi. Người ta đầu cơ trên xương máu chiến sĩ, trên những hi sinh của dân tộc và giới phụ nữ. Song, chân lí không dễ dàng bị khuất lấp. Chúng ta có rất nhiều bè bạn khắp thế giới. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để khôi phục lại bộ mặt thật của tình hình Việt Nam Cộng hòa và chỉ ra ai là kẻ chủ mưu, ai phải chịu trách nhiệm, ai là tòng phạm, ai là nạn nhân. Như các bạn biết rõ, một nhà sư tự nhiên chạy vào lánh nạn ở sứ quán một nước đồng minh của Việt Nam Cộng hòa. Tại sao phải “lánh nạn,” “nạn” là gì? Tại sao không chọn một sứ quán nào khác mà chọn sứ quán của nước đồng minh kia? Cần phải làm cho thế giới hiểu rằng sứ quán của một nước đặt ở một nước không nên và không thể là trung tâm chỉ huy các hoạt động gây rối, tạo điều kiện lật đổ hoặc là hang ổ để các hạng gián điệp ẩn náu.”
Phòng khách bỗng chốc biến thành nơi họp báo chớp nhoáng.
Nhà báo Helen Fanfani hỏi: Bà tự nguyện xuất ngoại hay do một áp lực nào?

Lệ Xuân cau mày: Tại sao lại có áp lực? Ai áp lực? Nhà báo Financial Affairs nên nhớ Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền...
Helen hỏi tiếp: Bà định sang Mỹ, có “xin” gặp Tổng thống Mỹ không?
Lệ Xuân nhún vai: Người cần nghe ý kiến khách quan về tình hình Việt Nam Cộng hòa không phải tôi. Tôi không “xin” gặp. Nếu nhà báo thích dùng chữ “xin” gặp thì chắc chắn cũng không phải là tôi!
Francois Sulli, tuần báo NewsWeek, hỏi:
Thưa bà, bà có định đến Liên Hiệp Quốc không?
Lệ Xuân trỏ mặt nhà báo: Ủa, chúng tôi đã trục xuất ông từ năm ngoái, sao ông còn luẩn quẩn ở đây?
Francois Sulli cười: Có lẽ bà không còn nhiều thì giờ lắm... Tôi trở lại Việt Nam vì thời hạn cấm tôi hành nghề tại đây đã hết hiệu lực, mặc dù những gì tôi phản ánh vẫn còn nguyên: tham nhũng, Chính phủ chuyên đánh giặc mồm...
Lệ Xuân: Và, tôi nhớ, ông tuyên bố: các ông – nghĩa là Mỹ, tờ báo ông viết xuất bản ở Mỹ - không nên cùng chết chìm với chúng tôi... Thật đáng tiếc cho ông, ông Francois Sulli, các ông sẽ cùng chết chìm với những kẻ chống chúng tôi...
Francois Sulli: Tôi nhắc lại: Bà không còn nhiều thì giờ lắm!
Lệ Xuân: Ông nói câu đó với ý nào?
Francois Sulli: Với ý nghĩa cụ thể nhất – ông vén đồng hồ đeo tay – bà chỉ còn mười lăm phút thôi.
Lệ Xuân: Với mươi phút, chúng tôi thừa đủ vả vào mồm những tên ăn tiền của một nước nào đó vu khống chúng tôi... Tôi sẽ đến Liên Hiệp Quốc!
Haberstam, phóng viên tờ New York Times: Xin bà cho tôi nửa phút...
Lệ Xuân: Mời ông! Ông bị Tổng thống Mỹ gọi về nước vì ông phanh phui sự dính líu của Mỹ ở Nam Việt...
Haberstam: Có phải bà cho rằng tình hình rối loạn hiện nay ở Nam Việt là do Mỹ đạo diễn?
Lệ Xuân: Tôi xin trả lời câu hỏi nửa phút của ông chỉ bằng một phần mười giây: Đúng!... Tôi xin lỗi các bạn, tôi còn phải từ giã chồng con và người thân của tôi...
Trên đường từ nhà ga ra sân bay, Lệ Xuân nói rất khẽ với Nhu điều gì đó và Nhu gật đầu. Sắp đến cầu thang, Lệ Xuân kéo Dung tách khỏi đám đông.
- Mọi sự chị trông cậy vào em và anh Luân. Em nhớ cho: nhiều người đang khúm núm Tổng thống, anh Nhu và chị, sẽ dễ dàng trở mặt. Tổng thống hay cả tin, cụ thích những kẻ cúi mọp, đi giật lùi trước cụ. Chị nghi ngờ bọn đó... Em nên bàn với ông Tổng giám đốc cảnh sát bám sát số quân nhân đang nắm quân. Chị đã bàn với anh Nhu nên tăng quyền cho anh Luân. Lực lượng đặc biệt của ông Tung không đủ sức đâu...
Lệ Xuân ôm hôn Dung và bắt tay Luân thật chặt. Mụ lần lượt ôm hôn các thành viên của Phong trào Phụ nữ Liên đới. Điều rất lạ là trong số khách tiễn Lệ Xuân có vợ Bác sĩ Trần Kim Tuyến, người đã từ lâu gần như bị Lệ Xuân trù.
- Mọi hiểu lầm cũ, ta qua! – Lệ Xuân nói vào tai vợ Trần Kim Tuyến.
Nhu cầm tay vợ, đưa lên cầu thang. Cả hai, đến giữa cầu thang, quay lại để các nhà báo chụp ảnh. Lệ Xuân ngã hẳn vào ngực chồng, quanh hai người là bầy con: một ảnh gia đình Nhu đầm ấm nhất mà báo chí lần đầu có được...

Luân và Dung không ngờ một chuyến máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất trong lúc Lệ Xuân đang ở phòng khách, mang đến Sài Gòn hai nhân vật: Jones Stepp, thiếu tướng, phụ trách tình báo, trợ lí tướng Paul Harkins – thay cho Fishell đã sang Ryad – và phu nhân Saroyan...
*
Đúng buổi nhiều ngày tổ chức tuyển cử Quốc hội pháp nhiệm ba – thêm một ít liên danh “trang trí” nhưng phe thân Chính phủ vẫn chiếm đa số tuyệt đối như mọi người dự đoán, kể cả Lệ Xuân vẫn đắc cử - Câu lạc bộ quân đội rộn ràng một cách khách thường. Sân tennis đông nghịt.
Tướng Dương Văn Minh, cố vấn quân sự của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đấu giao hữu với tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự và phái viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ; Đại tá Nguyễn Thành Luân, trong tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống đấu với Trung tá James Casey, tùy viên của tướng Paul Harkins. Sau trận đánh đơn – Minh thắng Taylor, Casey thắng Luân – đến trận đấu đôi: cặp Minh – Casey thắng cặp Luân – Taylor, rồi cặp Minh – Taylor thắng cặp Casey – Luân. Sau cùng, cặp Minh – Luân thắng đậm cặp Taylor – Casey. Dư luận xì xào về trận banh nỉ ngoại lệ này và chẳng ai quan tâm đến tỉ số cùng sự thắng bại. Chính Luân cũng không được báo trước – mãi trưa, anh mới được điện thoại của tướng Trần Văn Đôn, người tổ chức trận “giao hữu.” Sự bắt cặp cũng do tướng André bố trí. Luân phân tâm một lúc, giao và trả bóng hỏng nhiều, Taylor và Casey chơi bình thường – tuy họ cố tỏ ra xông xáo, theo Luân nhận định. Người “chơi ra chơi” là tướng Minh. Có lẽ hơn một chục lần Minh nhắc Luân khi hai người dự trận chót – lúc đầu, Minh nhắc nhã nhặn, sau thì cự hẳn. Luân phải tập trung tinh thần hơn và nhờ đó, thắng đậm.
Lúc chia tay, Taylor cười với Luân:
- Ông tướng của ông, – Ông ta ám chỉ tướng Minh – Có mỗi một bận tâm thôi, đó là quần vợt!
Dừng giây lát, Taylor nói tiếp:
- Tôi cám ơn đại tá đã không đem hết sở trường trong trận đấu đánh đôi mà tướng Minh và tôi đứng chung sân... Tôi tin đó là thái độ của đại tá. Tướng Minh và tôi là bạn, sẽ mãi mãi là bạn.
Luân về nhà thì gặp Saroyan cùng Thùy Dung ngồi ở phòng khách. Anh cố kiềm chế nhưng Saroyan vẫn sà vào anh khóc òa, mặc Thùy Dung ngồi đó. Thùy Dung cũng chặm nước mắt...
- Cám ơn Saroyan! – Luân thủ thỉ.
- Cám ơn đức Ala! Anh và Dung bình yên, thêm cháu Lý...
Saroyan bồng Lý trong lòng. Cả một thùng quà to tướng dành cho Lý và trong tiếng líu lo, Saroyan nói với Lý – dĩ nhiên, thằng bé chẳng thể hiểu – cả Luân và Dung thấu rõ nỗi xót xa của cô: Saroyan thèm một thằng bé giống như Lý. Tất cả đều thấy bất lực...
- Thôi ta hãy vào việc... - Saroyan tự trấn tĩnh – Em sang đây với Jones. Vào giờ chót, có trục trặc: người ta định cử tướng Lansdale, bây giờ đã hưu trí nhưng làm hợp đồng với Pentagone. Chính Tổng thống Kennedy can thiệp, nên Jones mới được đi. Em và Jones ghé Bangkok mấy hôm và em gặp Bác sĩ Trần Kim Tuyến đang chờ thủ tục sang Cairo. Em hỏi thẳng ông ta: ai mưu toan giết hại em. Ông ta bảo: Mai Hữu Xuân, với sự đồng lõa của Fishell. Em và Jones vừa đặt chân lên đất Sài Gòn, Mai Hữu Xuân đã đến chào. Em hỏi luôn ông ta... Ông ta không chối, chỉ nói rằng em bây giờ có thể yên tâm vì thời thế đã khác. Em bảo em sẽ đến thăm anh, ông ta thản nhiên: “Bà có thể thăm bất cứ ai...” Rồi ông ta và Jones thì thầm... Em biết, qua Jones: ngày 24-8, một số tướng Sài Gòn đề nghị lật ông Diệm, sau đêm lực lượng an ninh tấn công đẫm máu các chùa. Cabot Lodge chuyển điện về Mỹ, đúng ngày cuối tuần. Tổng thống không có mặt ở thủ đô. Các tướng Sài Gòn định ngày 29 hay 30 tháng 8 thì hành động...
- Các tướng nào, cô có thể kể vài tên không? - Luân hỏi.
- Điện viết tắt, em nhớ các chữ đầu K, X, D, và M. Hình như ba người.
Luân cau mày. Dung lẩm bẩm: K... Kim? X... Xuân? D...?
- K là Khiêm, X đúng là Xuân, D tức là Đ theo mẫu tự ta... - Luân bảo.
- Vậy thì là Đính!
- Không! Chính... Đôn! André Đôn... Và, một trong các người đề nghị lật ông Diệm vì vụ tấn công các chùa lại chính là kẻ đã trực tiếp thực hiện vụ tấn công man rợ ấy! Tôi nhắc Saroyan, đó là Mai Hữu Xuân! Còn M? Minh? Big Minh? Không! Trần Văn Minh? Ít có khả năng M. nào?
- Em nói tiếp. – Saroyan rạng rỡ khi thông tin của cô có ích cho những người mà cô quý mến, thương yêu – Đầu tuần, Tổng thống chỉ thị: đại sứ Lodge phải chuyển cho ông Diệm một “tối hậu thư” gồm ba điểm: chấm dứt đàn áp Phật giáo kèm theo hủy bỏ giới nghiêm và trả tự do cho các sư và người theo đạo Phật bị bắt, cho các đảng không tán thành Chính phủ hoạt động công khai và tham gia với một tỉ lệ thích đáng các cơ sở Chính phủ, vợ chồng ông Nhu rời Việt Nam. Ông Diệm không thèm tiếp ông Lodge, không chịu nói chuyện điện thoại với sứ quán Mỹ... Ông Lodge điện cho Ngoại trưởng Dean Rusk, bức điện em nhớ đề ngày 29-8 và cũng nhớ một câu: “Nước Mỹ không còn mặt mũi nào trở lại làm lành với Diệm.”
Nhưng, chính Lodge cũng báo cáo với Rusk rằng các tướng Sài Gòn chưa nhất trí lắm về việc lật Diệm. Tướng Harkins cũng yêu cầu Tổng thống Mỹ nên xem lại... Thế là Victor Krulak, phái viên Bộ Quốc phòng và Joseph Mendenhall, phái viên Bộ Ngoại giao bí mật bay sang Sài Gòn...