* *
Khi phái đoàn Liên Hợp Quốc dời Dinh Gia Long, Nhu bảo Luân: - Để cho họ điều tra. Càng nhiều nhân chứng càng tốt. Tất nhiên, có nhân chứng nọ, nhân chứng kia... Ta không cần các biên bản tốc kí hoặc ghi âm, dù hàng đống cũng được. Ta cần kéo dài thời gian. Sau “Bravo,” mọi thứ coi như mất hết giá trị. Sức mạnh, bây giờ là tiếng nói của sức mạnh. Tôi sẽ mở một tiệc thật lớn để tiễn họ và tôi sẽ ghi bằng phim vẻ mặt tiu nghỉu của họ. Tôi tin một trong số họ thích kéo dài cuộc điều tra. Về phương diện này, Ngô Trọng Hiếu làm việc không đến nỗi tồi...
Luân ngồi trên xe về nhà, suy nghĩ khác Nhu. Ngô Trọng Hiếu không thể xỏ mũi toàn thể phái đoàn và trò gài bẫy này sẽ vô hiệu hóa nếu những gã đại sứ dại gái kia thú nhận - cá nhân họ mất chức, song câu chuyện Phật giáo vẫn còn nguyên trong chương trình nghị sự, nếu không nói là cũng sự lột mặt của các đại sứ ậm ờ thì bản thân chế độ cũng tự lột mặt, chẳng một tí sạch sẽ, tha hồ cho báo chí thế giới bêu rếu và càng thúc đẩy Tổng thống Mỹ hạ bàn tay còn phần nào do dự xuống bàn cờ; các con cờ nhảy tung cả lên, đôi luyến tiếc cuối cùng của ông với Ngô Đình Diệm sẽ tan biến...
Về cuộc gặp gỡ, Luân có thể nhận diện ai rơi vào cái bẫy của Ngô Trọng Hiểu - những câu hỏi mở đường cho Chính phủ như lời họ thú tội - nhưng một đại sứ đã gặp Cabot Lodge, nghĩa là gặp cả Bộ tham mưu Mỹ tại Sài Gòn đủ điều chỉnh mọi chuệch choạc. Suốt cuộc gặp gỡ, Luân không nói, ngoài cái bắt tay xã giao với khách. Và Luân biết liền ai đã gặp Cabot Lodge qua cái siết tay hơi mạnh so với người khác. Cabot Lodge hẳn đã giới thiệu Luân. Cái nực cười nhất là Nhu dám đổ cho Cộng sản tổ chức cả xã vào đạo Thiên Chúa - sự ngụy biện trơ tráo báo hiệu khả năng suy nghĩ của Nhu mỗi lúc mỗi tối hơn.
Một khách không hẹn đợi Luân. Một linh mục. Người gầy, đeo kính trắng, nho nhã. Ông tự giới thiệu, Luân mới biết ông là linh mục - bề ngoài ông như một trí thức bình thường, sơ mi trắng ngắn tay, quần tropical cũ, đi xăng-đan. Luân nghe tiếng linh mục từ lâu, giảng viên đại học, người Huế, thuộc nhóm mà Nhu liệt vào danh sách “đầu bò.” Ông có cái tên đẹp như tên phụ nữ: Kim Huệ.
- Chúng ta nên bắt đầu từ đâu, thưa Cha? - Luân cười.
Linh mục không cười. Nét căng thẳng hiện rõ trên vẻ mặt khôi ngô của linh mục - ông không thể quá tuổi ba mươi.
- Tôi muốn xác định phạm vi trao đổi. Đại tá là người có đạo, tôi là linh mục, nhưng đây là cuộc nói chuyện bình đẳng giữa hai người có thể có chung mối quan tâm về tình hình miền Nam và tình hình giáo hội... Tôi nói lại, không chỉ tình hình giáo hội mà tình hình những người theo đạo Thiên Chúa, đặc biệt là đạo Thiên Chúa La Mã.
- Cám ơn Cha đã cho phép... Tuy vậy, con vẫn thấy Cha chưa nêu chủ điểm của cuộc trao đổi...
- Trước hết, để thực hiện nguyên tắc bình đẳng, tôi đề nghị chúng ta theo cách xưng hô thế tục - gọi nhau là anh, xưng là tôi... Không phải lúc nào cách xưng hô trong đạo cũng thích hợp cả... Còn chủ điểm? Anh hiểu hơn rôi. Chế độ ông Diệm đang thoi thóp...
- Và, tôi là thành viên của chế độ đó, không dễ thở... - Luân lại cười.
- Chưa hẳn... Tôi không làm nghề tình báo, không có nguồn tin bên trong song tôi hiểu anh và chế độ ông Diệm chưa bao giờ hòa đồng. - Linh mục Kim Huệ nghiêm mặt.
- Phong trào Phật giáo không hề uy hiếp những người như linh mục... - Luân nói.
- Đâu phải vì nghĩ rằng phong trào Phật giáo uy hiếp chúng tôi, mà tôi đến đây. Anh không có tư cách thay mặt cho Phật giáo. Tôi đã gặp những người cầm đầu Phật giáo và vì vậy, tôi lo...
- Anh đã gặp thầy Thiện Hoa chưa?
Bây giờ, Linh mục Kim Huệ mới cười:
- Tôi đoán không sai. Người mà anh quan tâm là thầy Thiện Hoa, thầy Trí Tịnh, thầy Thiện Hòa, hòa thượng Thiện Luật, hòa thượng Tịnh Khiết... Tôi biết đêm đẫm máu chùa Xá Lợi, anh có mặt. Có người cho rằng anh vào chùa để làm nội ứng cho Trần Văn Tư. Ít người nói vậy thôi...
- Thích Đức Nghiệp là một!
- Đúng... Có người nói anh muốn tạo chân đứng sau này...
- Lập luận của ông Thích Tâm Châu...
- Đúng... Thậm chí, có một lá thư từ Mỹ gửi về dặn các nhà sư coi chừng anh. Anh là người của cơ quan tình báo Mỹ...
- Của Thích Nhất Hạnh!
- Đúng!
- Có lẽ ông ta nói không sai... Ông ta là người của McCone - Luân châm biếm.
- Thích Nhất Hạnh có là CIA hay không, tôi không rõ và cũng chẳng cần rõ. Nếu anh có tài liệu, thì ông ta cũng chỉ có thể đạt cái mức nhân viên tình báo Mỹ thôi. Còn anh, nếu ông ta nói đúng, thì theo tôi, phải đảo ngược: Tình báo Mỹ là nhân viên của anh!
Luân mỉm cười để che cái chớp giật trong người. Linh mục Kim Huệ đáo để thật!
- Tôi suy đoán, hoàn toàn theo logic học, dựa trên các hiện tượng rời rạc... Anh đã góp phần không nhỏ vào tình cảnh khốn quẫn hiện nay của chế độ ông Diệm, nghĩa là của Mỹ... Nhân tiện, tôi thuật cho anh nghe cuộc đấu khẩu giữa tôi và Thích Đức Nghiệp. Ông ta cho rằng nếu mai kia ông Diệm dời khỏi chính trường là do công của Phật giáo, chủ yếu là do công của Phật giáo - không có các vụ tự thiêu, không có các chịu đựng tai họa, không có cuộc vận động quốc tế... thì ông Diệm vĩnh viễn là ông Diệm... Tôi bảo: Không có Mặt trận Giải phóng, không có quân Giải Phóng, không có một nửa nước độc lập, không có cuộc đấu tranh chống Pháo kiên quyết kéo dài chín năm, liệu có thể có phong trào Phật giáo với quy mô vừa qua không? Ông Thích Đức Nghiệp lắc đầu, lắc đầu một cách yếu ớt. Tôi nói thêm: Tuy hàng triệu người đứng trong hàng ngũ Phật giáo, tín đồ thật sự là bao nhiêu? Ông ta cũng tiếp tục lắc đầu yếu ớt. Tôi biết một số người theo Công giáo có mặt trong các cuộc biểu tình...
- Nhưng không thể không đánh giá đúng cống hiến của Phật giáo... - Luân ngắt lời Kim Huệ.
- Tôi không nghĩ khác... Chính tôi nói thẳng với thầy Thiện Hoa những ý trên, thầy Thiện Hoa gật đầu: Đạo pháp và dân tộc gắn chặt, cái nền chính là dân tộc... Tôi gặp anh để nêu lên hai câu hỏi: một, cái gì tiếp sau biến động hôm nay. Tốt hay xấu cho đất nước, nghĩa là cho hòa bình và cho cả thống nhất. Hai, người theo đạo Chúa cần làm gì, có thể làm gì...
Luân trầm ngâm. Anh mời thuốc lá, linh mục không hút. Câu hỏi lớn quá. Tâm trạng những người như Kim Huệ bao quát quá. Nó cũng là câu hỏi và tâm trạng của Luân.

Thấy Luân chưa trả lời, Kim Huệ nói thêm, rất sôi nổi:
- Thay đổi chế độ, mong ước ấy không riêng của Phật giáo. Nhưng, cái gì đang chờ chúng ta? Ông Diệm nói một câu tiên tri: Cái sẽ tới còn ghê rợn hơn... Có thể như vậy không?
- Thay đổi chế độ? - Luân hỏi vặn Kim Huệ - Sẽ không có một thay đổi đến mức đó... Anh hiểu chế độ chỉ là ông Diệm?
Kim Huệ phản ứng thật nhanh: - Tôi đính chính. Thay đổi bộ máu bản xứ của người Mỹ...
- Nếu anh đã nhận thức được như vậy thì anh đã tự trả lời...
- Nghĩa là, đối với đất nước vẫn xấu?
- Có thể xấu hơn, đồng thời có thể ít xấu hơn...
- Có thể... mơ hồ quá. Khả năng nào nhiều?
- Nếu để cho diễn tiến của tình hình trong phạm vi một cuộc đẩy cây giữa hai phía - ông Diệm và Mỹ, tức là giữa những người do Mỹ khống chế - thì khả năng đầu nhiều hơn...
- Tôi không tin Mặt trận khoanh tay...
- Cũng như anh, tôi không hiểu chuyện ngoài bưng, ngoài rừng...
- Anh không hiểu, tôi đồng ý... Không hiểu cụ thể...
- Còn anh?
- Tại sao tôi phải úp mở: Tôi có hiểu, tuy chẳng sâu.
- Anh nghe tôi: Ván bài cần bốn tay chơi. Anh và tôi mới nghĩ đến ba. Thiếu một. Một quan trọng nhất, sẽ trả lời câu hỏi của anh.
- Phải chăng, theo anh, trả lời câu hỏi này liên quan đến câu hỏi thứ hai của tôi?
Luân lắc đầu:
- Lực lượng Công giáo chưa thể có sức nặng... Tôi nói lực lượng không mù quáng.
- Năm 1963 này khác những năm 1954, 1958...
- Tôi hi vọng. Song, tôi không ảo vọng. Rất có thể sau khi có một đổi thay nào đó? - Ta cứ giả định đi - điều anh và tôi hi vọng sẽ lớn ra... Phải làm gì, với một linh mục, nghĩa là với sự ràng buộc của giáo hội, tôi không dám nói. Anh cũng thấy, một trong những cái dấy lên phong trào phản đối hiện nay là chính sách ưu đãi Công giáo của Tổng thống...
- Nhưng, không phải tất cả linh mục, thậm chí Giám mục đều nhận và tán thành một ân sủng như vậy.
- Tôi đồng ý. Dẫu sao, ấn tượng mà dân chúng ghi trong đầu không quá bị bóp méo... Tôi hỏi anh một câu - bởi anh hỏi tôi hàng chục câu - có bao nhiêu linh mục suy nghĩ và muốn hành động như anh?
- Suy nghĩ như tôi, nhất định đông, nhất là số linh mục trẻ từ Châu Âu về. Còn muốn hành động?
Linh mục Kim Huệ nhún vai.
- Anh có thể hiểu sức mạnh mà những người như anh cần, dựa vào đâu để tạo ra không?
Linh mục Kim Huệ cười rộ:
- Tôi không phải quá trẻ...
Sau cái bắt tay thật chặt, hai người từ giã nhau như đôi bạn thân.
Phái đoàn Liên Hợp Quốc thẩm vấn các nhân chứng (trích):

* Nhân chứng số một:
- Ông trưởng phái đoàn: Theo ý Ngài, những lời tố cáo Chính phủ Việt Nam đã vi phạm các quyền tín ngưỡng Phật giáo đồ có căn cứ không? Nếu có, chúng tôi mong được Ngài cho biết càng nhiều càng tốt những bằng chứng về những vi phạm ấy.
- Nhân chứng: Những tố giác về những vi phạm của Chính phủ đối với việc tu hành hay với Phật pháp bắt nguồn từ bốn tỉnh ở Trung Việt, cách đây đã ba hay bốn năm. Bốn tỉnh ấy là: Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Còn những tố giác khác, tôi không được biết rõ. Những đoàn thể Phật giáo của các tỉnh ấy đã đệ đơn khiếu nại lên Chính phủ và lên Tổng hội, đại diện cho họ ở Sài Gòn. Những đơn ấy quý ông có thể tìm thấy trong những tập tài liệu. Chắc quý ông cũng đã biết đến năm nguyện vọng đã được trình lên chính quyền trong mùa hè năm nay. Tôi không được biết những tố giác khác. Tại Việt Nam, 80% dân chúng là Phật tử, mà những lễ lạt của Phật giáo lại không được Tổng thống nhìn với một con mắt có thiện cảm như các lễ lạt của Thiên Chúa giáo. Thí dụ ngày lễn Noel được tổ chức một cách to tát và Chính phủ tham gia vào các lễ tại nhà thờ.
- Ông trưởng phái đoàn: Có phải, như một số người đồn, phong trào Phật giáo đã bị xúi giục, bằng cách này hay cách khác, bởi Cộng Sản, Việt Cộng hay tay sai ngoại quốc không? Ngài, hoặc những người quen biết với Ngài, có ai là nạn nhân của sự xúi giục ấy không?
- Nhân chứng: Tất cả vụ này phát khởi từ Huế. Như quý ông đã biết, ở đây trong ngày lễ Phật đản, vấn để lá cờ Phật giáo được nêu lên. Biến cố này đã gieo mầm bất an vào đến Sài Gòn, và cứ thế mà tiếp tục mãi. Riêng về phần tôi, tôi không bị ai xúi giục cả.
- Ông Gunewardene: Ở Huế, có sự xúi giục nào không?
- Nhân chứng: Tôi không được biết.
* Nhân chứng số ba:
- Ông trưởng phái đoàn: Ngài có biết phái đoàn đến gặp Ngài hôm nay không?
- Nhân chứng: Vâng, tôi có biết đại diện của Liên Hợp Quốc sẽ đến điều tra về tình hình Phật giáo đồ ở miền Nam Việt Nam. Tôi là phát ngôn viên của Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo. Tôi ở chùa Xá lợi.
- Ông Correa Da Costa: Ủy ban liên phái là gì? Nhiệm vụ của nó thế nào?
- Nhân chứng: Ủy ban có nhiệm vụ đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam Cộng hòa bằng một chính sách bất bạo động.
- Ông Correa Da Costa: Ủy ban liên phái được thành lập ngày nào?
- Nhân chứng: Đã năm tháng nay.
- Ông Correa Da Costa: Sau những vụ lôi thôi ở Huế?
- Nhân chứng: Vâng, tất cả giáo phái Phật giáo đã hợp tác với Ủy ban từ ngày ấy.
- Ông Correa Da Costa: Có khoảng mười chín giáo phái Phật giáo quan trọng tại Việt Nam. Vậy có bao nhiêu phái tham dự trong Ủy ban?
- Nhân chứng: Trong mười sáu giáo phái ở miền Nam Việt Nam, mười bốn giáo phái có đại diện trong Ủy ban liên phái.
- Ông Correa Da Costa: Hai giáo phái nào không tham dự?
- Nhân chứng: Giáo phái Cổ Sơn Môn và Tịnh độ tông.
- Ông Correa Da Costa: Vì sao họ không tham dự?
- Nhân chứng: Vì họ cộng tác với Chính phủ.
- Ông Correa Da Costa: Có những mối liên quan như thế nào giữa Ủy ban liên phái và Tổng hội Phật giáo?
- Nhân chứng: Tổng hội Phật giáp thành lập từ năm 1951, 1952 và gồm có tăng già, cư sĩ của tập đoàn Phật giáo.
- Ông trưởng phái đoàn: Từ khi bị bắt, Ngài có bị hành hạ không?
- Nhân chứng: Thật khó trả lời câu hỏi của Ngài trong lúc này. Tôi ước mong ngày thông cảm cảnh ngộ hiện tại của tôi. Tôi không thể trả lời nơi đây được.
* Nhân chứng số sáu:
- Ông trưởng phái đoàn: Ngài bị bắt giam lúc nào?

- Nhân chứng: Ngày 20-8-1963.
- Ông trưởng phái đoàn: Lúc mấy giờ?
- Nhân chứng: Lúc hai giờ sáng.
- Ông trưởng phái đoàn: Cảnh sát có phá cửa khi họ bắt Ngài không?
- Nhân chứng: Có.
- Ông trưởng phái đoàn: Cửa chùa hay cửa phòng Ngài??
- Nhân chứng: Họ phá cửa sắt mà thôi. Tôi ở trong phòng, họ đến đập cửa và gọi tôi ra.
- Ông trưởng phái đoàn: Ai?
- Nhân chứng: Những sĩ quan.
- Ông trưởng phái đoàn: Những sĩ quan quân đội hay của cảnh sát?
- Nhân chứng: Những sĩ quan và binh sĩ của quân đội.
- Ông trưởng phái đoàn: Ngài có bị đánh đập không?
- Nhân chứng: Một ít thôi.
- Ông Volio: Thế nào? Họ đánh bằng tay hay bằng gậy?
- Nhân chứng: Bằng tay.
- Ông trưởng phái đoàn: Vì sao họ đánh Ngài?
- Nhân chứng: Họ không nói lí do vì sao cả.
- Ông Gunewardene: Những quân nhân đến đây có vũ trang không?
- Nhân chứng: Tôi không biết họ có loại súng gì. Họ cầm súng như thế này (phái đoàn biết đó là súng có lưỡi lê).
- Ông Gunewardene: Họ đem Ngài đi đâu?
- Nhân chứng: Họ dẫn tôi tới một nơi xa và không biết nơi ấy là đâu cả.
- Ông Gunewardene: Họ giao Ngài cho ai canh gác?
- Nhân chứng: Họ dẫn tôi đến chỗ ấy lúc hai giờ sáng và đến bốn giờ sáng họ lại đưa tôi đến một nơi khác rồi giam tôi vào trong một xà lim.
- Ông Gunewardene: Ngài bị giam trong ấy mấy ngày?
- Nhân chứng: Vào khoảng một tuần lễ.
- Ông Gunewardene: Họ đối đã với Ngài như thế nào?
- Nhân chứng: Tôi không bị ngược đãi.
- Ông Gunewardene: Đêm Ngài bị bắt có bao nhiêu nhà sư ở trong chùa?
- Nhân chứng: Vào khoảng mười.
- Ông Gunewardene: Họ đều bị bắt cả?
- Nhân chứng: Vâng.
- Ông Koirala: Người ta cho rằng Cộng Sản, Việt Cộng và những nhân viên ngoại quốc khác, là nguyên nhân của các vụ lôi thôi ấy, Ngài nghĩ sao?
- Nhân chứng: Tôi chỉ biết tu mà thôi, tôi không thể nói được việc ấy.
* Nhân chứng số hai mươi sáu.

- Trưởng phái đoàn: Anh có phải là Phật tử không?
- Nhân chứng: Tôi là Phật tử.
- Trưởng phái đoàn: Anh bị bắt khi nào?
- Nhân chứng: Ngày 28 tháng 8.
- Trưởng phái đoàn: Anh có dự các cuộc biểu tình của sinh viên không?
- Nhân chứng: Có.
- Trưởng phái đoàn: Anh có bị đánh đập không?
- Nhân chứng: Không.
- Trưởng phái đoàn: Bao nhiêu sinh viên tham dự cuộc biểu tình?
- Nhân chứng: Hơn một nghìn sinh viên.
- Ông Gunewwardene: Bao nhiêu bị bắt và bị giam?
- Nhân chứng: Tám trăm bị giam, rồi được thả ra.
- Ông Gunewwardene: Anh biểu tình để chống đối gì?
- Nhân chứng: Vì tôi nghĩ rằng đó là việc phải làm sau các biến cố xảy ra, và đó là lí do khiến tôi tham dự cuộc biểu tình. Tôi không biết tôi có bị các phần tử ngoại lai khai thác hay lợi dụng không. Lúc khởi đầu đó là một phong trào thuần túy, không có sự can thiệp nào từ bên ngoài cả, nhưng về sau - theo ý tôi, có một phần nào.
* Nhân chứng số ba mươi tư:
- Ông Amor: Anh có phải là Phật tử không?
- Nhân chứng: Tôi không phải là Phật tử, không phải theo Thiên chúa giáo, cũng không phải là Cộng Sản. Tôi không có tôn giáo.
- Ông Correa De Costa: Vì sao anh bị bắt.
- Nhân chứng: Tôi không phải là Cộng Sản. Tôi bị bắt vì có liên hệ với các tổ chức chính trị.
- Ông Amor: Anh nghĩ gì về vấn đề Phật giáo?
- Nhân chứng: Tôi không lưu tâm đến vấn đề ấy. Là một sinh viên khoa chính trị học, tôi nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác.
- Ông Pinto: Với tư cách sinh viên khoa chính trị học, vấn đề Phật giáo không làm anh xúc động một tí nào sao?
- Nhân chứng: Như mọi sinh viên khoa chính trị học theo dõi những mục tiêu chính trị, không phải tôi không bị xúc động vì vấn đề Phật giáo, nhưng tôi cho nó chỉ có một tầm quan trọng nào đó thôi. Do đó, phản ứng của tôi không phải là phản ứng của một công dân thường.
- Ông Koirala: Anh có tham dự các cuộc biểu tình không?
- Nhân chứng: Tôi không tham sự biểu tình, nhưng tôi là thủ lĩnh một nhóm sinh viên và tôi không quên cho biết quan điểm của tôi trong mọi cơ hội. Tôi không đi theo nhóm biểu tình ngoài lộ.
- Ông Gunewrdene: Anh có phát biểu ý kiến về vấn đề Phật giáo không?
- Nhân chứng: Từ lâu, tôi đã phát biểu ý kiến và tôi chống Chính phủ này, nhưng, vì lí do tôn giáo, thật rất khó khăn. Tôi muốn rằng các Phật tử bị bắt được thả ra.
- Ông Koirala: Anh có nghĩ rằng vấn đề Phật giáo là triệu chứng của một sự bực bội rộng lớn hơn trong xứ này không?.
- Nhân chứng: Những người thấy điều ấy có thể có cảm tình nồng nhiệt với phong trào trên, những người không thấy gì có thể bị đánh lạc.
- Pinto: Anh có bị đánh đập không?
- Nhân chứng: Trường hợp tôi là một trường hợp đặc biệt. Vì người ta biết rằng tôi là thủ lĩnh một nhóm chính trị trong sinh viên, không bao giờ tôi bị đánh đập, người ta để tôi yên. Lẽ tất nhiên, có thể khác đối với những người khác. Trong quá khứ, tôi không bị phiền lụy gì, còn vai trò của tôi trên trường chính trị, bao giờ tôi cũng được xem như một thủ lĩnh; do đó, người ta đối xử với tôi rất tử tế, người ta cố gắng không đụng tới tôi, nếu không có lí do khác, về các vấn đề chính trị, người ta để tôi làm điều gì tôi muốn.
- Ông Gunewardene: Như một người không có tôn giáo, anh nghĩ gì về việc quân đội tấn công các chùa chiền?
- Nhân chứng: Tôi không thấy điều đó. Tôi chỉ nghe nói, nhưng không thấy tận mắt...