P1 - Chương 14
Luân rời về một ngôi biệt thự nhỏ nằm trên đường Michel. Công việc sửa sang ngôi nhà kéo dài hai tuần lễ. Chỉ cần một lần gặp số người đến dọn dẹp, sơn quét, Luân đánh giá, anh được Trần Kim Tuyến “chăm sóc” đặc biệt kĩ lưỡng. Trên trần nhà, nhất định có hệ thống ghi âm và điện thoại thì dứt khoát có đường dây chạy về Sở nghiên cứu chính trị. Ngã ba xéo nhà, một thợ sửa xe đạp – rất ít khách, song anh ta luôn ngồi đó, lúc nào cũng với tờ báo che nửa mặt.
Luân gọi điện thoại cho Nhu. Một lát sau, xe riêng của Nhu đến đón Luân. Nhu tiếp Luân trong một gian phòng nhỏ đặt phía sau Dinh Gia Long.
- Trước khi đi vào công việc, mặc ối quan hệ giữa ông với Đức cha, tôi muốn ông và tôi không bị gò bó… Tuổi tác hai đứa mình cũng chẳng xê xích bao nhiêu, vậy, tôi đề nghị chúng ta bỏ lối xưng hô khệ nệ, mà gọi nhau là anh. Lối xưng hô đó thích hợp hơn…
Không đợi Luân đồng ý, Nhu nói luôn:
- Anh thấy tình hình chính trị hiện thời ra sao?
Luân trầm ngâm khá lâu. Nhu tỏ vẻ tôn trọng suy nghĩ của Luân, mời anh điếu thuốc – Nhu hút loại Mélia vàng khá nặng. Luân nhận thuốc, châm lửa, nhưng hít một hơi đã ho sặc.
- Tôi quen thuốc Cẩm Lệ, xin lỗi anh.
Nhu bấm chuông, người bồi mở cửa vào.
- Cho một hộp Craven A… Cho luôn hai biere Pilsen ướp lạnh.
- Tôi hút ít thôi, thích loại xiêm mẵn Cao Lãnh thơm nhẹ. - Luân nói.
- Tôi chưa biết loại thuốc đó. Vừa đây, có người biếu tôi thuốc Gò Vấp. So với thuốc Cẩm Lệ, nó còn nặng hơn…
Người bồi mang thuốc lá và bia vào. Nhu mở hộp Craven A.
- Câu hỏi của anh khá rộng, – Luân hớp một hớp bia – Tôi chỉ xin nói từ một giác độ hẹp, liên quan đến thế đứng của Chính phủ ông Diệm. Chỗ dựa của Chính phủ cho đến hôm nay, những ngày đầu năm 1955, tức là sau sáu tháng ông Diệm về nước chấp chính, vẫn chủ yếu là người theo đạo Thiên Chúa di cư và thái độ chính trị của Chính phủ Mỹ. Hôm qua, Hồng y Spellman đến và xét cho cùng, không thêm cho ông Diệm chút gì, nếu không nói là tạo ra tâm lí nghi kị trong dư luận: tuyệt đại đa số dân Nam vĩ tuyến 17 không theo đạo Thiên Chúa. Đây là thời điểm đòi hỏi sự khôn ngoan. Ông Bùi Kiến Tín từ chức, ông Diệm đưa ông Trần Trung Dung thay, làm nẩy thêm một bất mãn khác: Ông Diệm thu tóm quyền hành vào tay gia đình. Tôi không nghĩ rằng loại ra khỏi Chính phủ dược sĩ Tín, thạc sĩ Phạm Duy Khiêm là sai. Do đó, tôi không nghĩ rằng bổ ông Hồ Thông Minh làm Tổng trưởng Quốc phòng là đúng. Những người thân Pháp sớm muộn gì cũng sẽ rời khỏi Chính phủ ông Diệm. Chỉ có điều nên tính sự thay thế họ bằng những người trong sạch, có danh vọng, tốt hơn hết, sinh trưởng ở Nam, càng ít dính dáng họ hàng với gia đình họ Ngô càng hay…
- Thế là anh đảo ngược dự định của tôi về anh rồi! – Nhu kêu lên rất thật.
- Tôi thiết tha mong anh cho phép đứng bên cạnh. Với tư cách đó, tôi hi vọng sẽ phụng sự hiệu quả cho lí tưởng quốc gia.
- Có lẽ anh nói đúng… Bây giờ, anh cho biết nhận định của anh về các lực lượng chống lại chúng tôi.
- Theo tôi, đây là vấn đề chính trị hơn là quân sự, một bộ phận trong chính giới Pháp đứng đằng sau các lực lượng.
Luân không nói tiếp. Nhu mỉm cười:
- Và, Mỹ đứng đằng sau chúng tôi. Có phải anh muốn nói như vậy?
- Có gì bí ẩn đâu. – Luân nhỏ nhẹ - Ngay trong chính giới Pháp, cũng đến ba khuynh hướng: Phủi tay ở Đông Dương để dồn sức giữ Algérie; giành chỗ quyết liệt với Mỹ - đây là những người Pháp chủ đồn điền, chủ ngân hàng, chủ các công ty xuất nhập cảng – và khuynh hướng nhường cho Mỹ chọn vẹn, mọi chia chác sẽ thương lượng sau. Antoine Pinay thay mặt cho khuynh hướng thứ ba nầy. Tất nhiên, sẽ không phải là lính Pháp nổ súng.
- Anh nghe chưa: Tướng Trịnh Minh Thế, thủ lĩnh Cao Đài liên minh hứa đưa năm nghìn quân về hợp tác với Chính phủ. Đại tá Hòa Hảo Nguyễn Văn Huê li khai ông Năm Lửa, sẽ mang ba nghìn quân về… Chúng tôi đang giảm đến mức tối thiểu những tay súng ngu xuẩn…
Nhu nghiêng đầu, nheo mắt thăm dò Luân:
- Ông Lansdale làm ăn khá thật! Song hình như ông ấy chưa đến gần được ông Bảy Viễn, mũi nhọn nhất của các lực lượng chống Chính phủ. Còn những con số… Chẳng có gì quan trọng.
- Về vụ nầy ông Lansdale tỏ ra không sắc sảo bằng anh. - Nhu nói xong, uống cạn li bia, chờ phản ứng của Luân.
- Tôi sẽ cố gắng. Tôi cố gắng tránh đổ máu…
- Cám ơn anh! – Nhu xởi lởi – Bây giờ, anh còn ý kiến gì khác và có cần gì ở chúng tôi?
- Ý kiến khác thì chưa có, yêu cầu thì có. Tôi cần một chiếc xe.
- Anh sẽ có xe ngay hôm nay. Tài xế thì anh lựa lấy. – Nhu mau lẹ đồng ý.
- Không! Tôi không muốn vượt qua giới hạn sự tin cậy. Anh ra lịnh cho cơ quan nào đó cử tài xế…
- Được thôi. Sau nầy anh đừng rủa tôi ật vụ kè kè anh… Bất cứ lúc nào anh cũng có thể đến đây, sau một cú điện thoại thông báo…
Nhu tiễn Luân ra tam cấp, hai người đi sát nhau như đôi bạn thân.
*
Tài xế đánh xe tới nhà Luân. Đó là một chiếc Opel, sơn màu chocolate vừa qua thời kì chạy thử.
- Trình ông kĩ sư, em được lệnh mang xe đến cho ông dùng! - Người lái xe lễ phép thưa với Luân – Có giấy của ông cố vấn gửi ông kĩ sư.

- Anh tên gì? – Luân vừa xem giấy giới thiệu vừa hỏi.
- Dạ, Vũ Huy Lục.
Chuông điện thoại reo. Luân nhắc ống nghe, Nhu đích thân kiểm tra xem xe đã đến chưa.
- Anh vừa di cư vào? – Luân hỏi, sau khi nói chuyện với Nhu. - Có mang vợ con theo không?
Mặt Vũ Huy Lục sụp tối:
- Dạ, không kịp… Em đang ở Phát Diệm, còn nhà em với con thì ở Hải Hậu…
Luân ái ngại nhìn Lục:
- Bây giờ anh đưa xe vào gara. Cạnh gara có một phòng, anh có thể ở, nếu anh không có chỗ khác.
*
Khách viếng thăm là một người tầm thước, trán cao. Ông ta đi một chiếc Chevrolet bệ vệ, trước và sau có hai xe jeep hộ tống, đầy công an xung phong.
Thoạt nhìn, Luân đoán ngay ông ta là Lại Hữu Tài, cố vấn của Bình Xuyên, bởi ông ta hao hao giống Lại Văn Sang.
Quả đúng, Lại Hữu Tài tự giới thiệu xong, ngắm nghía phòng khách nhà Luân.
- Đây là cái giá mà nhà Ngô trả cho sự quy hàng của ông? – Tài hất hàm hỏi.
- Tại sao ông không nghĩ rằng anh chị tôi rất sẵn sàng lo cho tôi một chỗ ở? – Luân từ tốn.
- Thôi được! – Tài vẫn lối kẻ cả - Tôi hỏi ông: Chúng tôi cũng là người kháng chiến, về thành trước ông; ông về sau, có nghĩa là công ông dày hơn chúng tôi, thế mà ông lại đem cả cuộc đời dâng cho họ Ngô. Tại sao vậy?
- Mỗi người có cách xử sự riêng. – Luân cố giữ giọng bình thản.
- Cách xử sự riêng? – Tài mỉa mai – Ông đã lầm lạc khi tưởng rằng nhà họ Ngô mạnh. Họ có gì? Phải đâu hễ nắm được Tổng tham mưu trưởng là họ có thể làm mưa làm gió? Ông nên nhớ: giáo phái hiện thừa lực lượng để tống khứ nhà Ngô. Sở dĩ chúng tôi nấn ná là vì ngại Việt Minh lợi dụng sự chia rẽ trong hàng ngũ Quốc gia. Nhưng, cái gì cũng có giới hạn – chúng tôi không cho phép nhà Ngô hung hăng áp đặt ách Thiên chúa giáo, gia đình trị và nhóm miền Trung lên cổ đồng bào ta… Ông là một trí thức, nhưng hơi tối dạ!
- Xin lỗi ông cố vấn, ông gặp tôi chỉ cốt để xỉ vả thôi sao?
- Tôi có quyền gì mà xỉ vả ông? Chẳng qua thấy ông lầm lạc, nghĩ tình kháng chiến, giác đác đôi lời may ra ông tỉnh ngộ chăng?
- Ông còn điều gì cần nói nữa không? – Luân đứng lên, hàm ý cho Tài biết cuộc nói chuyện nên chấm dứt.
Tài vẫn ngồi lì và nói tiếp:
- Tôi nghe anh Sang thuật lại, ông là một nhân tài… Tiếc cho ông mua vé hạng nhất vào xem vở tuồng khi vở tuồng sắp hạ màn. Tôi khuyên ông quay về chính nghĩa, hợp tác với chúng tôi vì đại sự, ngay bây giờ cũng chưa muộn.
- Tôi sẵn sàng hợp tác với bất kì ai lo điều tốt lành cho dân, cho nước.
- Tôi báo với ông: các giáo phái quyết định kết liên thành mặt trận. Nhiều nhân sĩ danh tiếng đứng về phía chúng tôi. Ông có nghe tên tuổi các ông Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân?
- Mục đích của mặt trận là gì? - Luân hỏi một cách hờ hững.
- Đánh đổ nhà Ngô bằng võ lực! Tôi đề nghị ông tham gia ban cố vấn chính trị mặt trận… - Tài cao giọng – Đánh đổ nhà Ngô và những tên tay sai…
- Vậy là trái với tôn chỉ của tôi. Tôi không tán thành đổ máu. Các ông giành giật địa vị, quyền lợi mà mặc kệ đồng bào, tôi cho là các ông đã mất sự ủng hộ của đồng bào.
Lại Hữu Tài đứng phắt dậy:
- Ông nhất quyết từ chối thiện chí của chúng tôi… Ông đừng trách! Nay mai, nhà Ngô bị chúng tôi lật đổ, ông đừng đến gõ cửa, nhớ nghe. Bình Xuyên thích làm anh em chớ không thích làm cha thiên hạ đâu!
Tài vừa đi ra cửa vừa nói. Luân cười mỉm, tiễn ông ta. Ra khỏi nhà, Luân mới bảo:
- Những lời của ông vừa rồi chắc chắn sẽ tới tai ông Nhu… Ông có thấy như vậy là bất tiện cho các ông không?
Tài hơi giật mình:
- Nghĩa là… nghĩa là nhà ông có máy ghi âm?
Luân nhún vai:

- Làm thế nào được?
Tài trấn tĩnh khá nhanh:
- Hề chi! Chúng tôi hành động quang minh chính đại mà.
- Chào ông! – Luân đưa tay cho Tài – Bình Xuyên chỉ có thể chuộc bao nhiêu lỗi lầm đã qua, từ lỗi lầm phản bội Tổ quốc đến lỗi lầm dựa hơi Tây hà hiếp đồng bào bằng việc làm có suy tính. Các ông hãy bớt nói. Các ông nói nhiều quá!
Luân nghiêm mặt. Có vẻ anh đang rầy quở Lại Hữu Tài. Tài sựng người, ngó Luân khá lâu.
P1 - Chương 15
Lại một người khách nữa bấm chuông. Vũ Huy Lục mở cổng.
Khách đi một chiếc Sachs cọc cạch, người cao lớn, đeo kiếng cận, hình như đau mũi nên lúc nào cũng thở nặng nề. Anh bắt tay Luân vồn vã:
- Anh khỏe chớ!
Luân nhớ ngay anh ta: một cán bộ tuyên truyền ở chiến khu. Song Luân không nhớ tên. Tuy vậy, Luân vẫn làm ra bộ chưa hề quen anh ta.
- Cám ơn… Xin lỗi, ông là ai?
- Trời! Anh quên tôi rồi sao? Mạch Điền đây. Mạch Điền ở chỗ anh Lưu Quý Kì… Nhớ chưa?
Luân lắc đầu:
- Không nhớ… Mời anh vào trong nhà…
- Cơ quan tôi đóng ở Tân Duyệt. Anh đến đó mấy lần… Tôi về thành trước anh vài tháng.
- Vậy sao? – Luân làm như bắt đầu chăm chú – Hiện nay anh làm gì?
- Tôi dạy học ở trường Kiến Thiết. Nghe tin anh, tôi tới liền…
- Anh nghe tin tôi ở đâu? – Luân hỏi như vô tình.
- Thì… - Mạch Điền hơi ngập ngừng – Anh về thành ai mà không biết!
- Anh giỏi thiệt, tìm được nhà tôi… Ai chỉ cho anh?
- Tình cờ, cách đây năm, sáu ngày, tôi chạy xe qua, thấy xe hơi anh quẹo vô đây…
Luân cười thầm: anh dọn nhà mới có ba hôm, còn xe thì anh vừa nhận chiều hôm qua.
- Đáng l‎í tôi không đến đây. – Mạch Điền sửa giọng, nghiêm trọng – Nguyên tắc bí mật mà! Nhưng có một việc khẩn, chúng tôi trao đổi với nhau, thấy cần phải gặp anh.
Mạch Điền ngó quanh. Vũ Huy Lục đang rửa xe ngoài sân.
- Anh có thể nói không ngại gì cả. – Luân bảo.
- Người lái xe của anh tin cậy được chớ?
- Anh cứ nói – Luân giục.
- Chắc anh biết, sau hòa bình, một số anh em ta về thành hoạt động. Tôi ở trong nhóm bí mật, phụ trách công tác văn nghệ. Chi bộ tôi trực thuộc Thành ủy, khác anh, anh sinh hoạt đơn tuyến… Vừa rồi, một đồng chí trong chi bộ tôi bị bắt. Đây, tên tuổi của đồng chí đó, ngày giờ bị bắt, hiện giam ở Catinat, trong thời kì hỏi cung. – Mạch Điền rút trong túi ra tờ giấy đưa cho Luân – Điều tai hại là đồng chí đó biết rành anh, vì có lúc được biệt phái xuống tiểu đoàn 420.
Mạch Điền hạ thấp giọng:
-... Và dự họp chi bộ nhiều lần với anh. Nếu “va” không giữ khí tiết thì đổ bể lớn. Tụi tôi phải tạm lắng – nhưng không đáng ngại… Đề nghị anh tìm mọi cách can thiệp với Lại Văn Sang cứu “va.”
Luân liếc qua tờ giấy, trả lại Mạch Điền.
- Gay go đa!
- Phải! – Hơi thở Mạch Điền càng dồn dập hơn – Gay go cho tụi tôi một, gay go cho anh mười! Uổng công anh len lỏi tận chóp bu chế độ miền Nam.

- Tôi nói gay go là gay go cho anh! – Luân nói như đùa.
- Hả? – Mạch Điền trợn cặp mắt trắng dã nhìn Luân, mũi khịt liên hồi.
- Gay go vì anh khó mà báo cáo với Bác sĩ Trần Kim Tuyến hoặc ông Ngô Đình Nhu về cái trò cò mồi này!
- Anh nói gì tôi không hiểu? – Trán Mạch Điền lấm tấm mồ hôi.
- Có gì khó hiểu đâu? Kịch bản nhạt nhẽo, đạo diễn tồi, diễn viên gà mờ!
Luân trỏ ra cổng:
- Anh đi cho khuất mắt tôi và nhớ báo cáo lại với bác sĩ Tuyến những đánh giá của tôi! Hình như anh mới tập sự làm điểm chỉ viên?
Mạch Điền dở khóc dở cười, khóm róm ra cửa, vẫn cố lảm nhảm:
- Rồi anh sẽ hối hận!
Luân nghe hắn đạp mãi mà chiếc Sachs không chịu nổ máy.
*
Ngô Đình Nhu trao cho Luân một tập giấy đánh máy, bìa bao cẩn thận:
- Chế độ chúng tôi cần một chủ thuyết. Trung tâm của chủ thuyết là tính dân tộc cổ truyền cộng với sự giải phóng phẩm giá con người, hướng phục vụ quảng đại dân chúng Cần lao và giữ gìn phần hồn như một cốt lõi… Tôi suy nghĩ từ nhiều năm nay và đây là kết quả sơ bộ…
Luân biết Nhu tránh nhắc lại ý kiến của Luân: thật là bất tiện khi thú nhận đã nghe băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Luân và Géo Nam.
- Là chỗ thân tình, tôi mong anh đọc kĩ, và cho nhận xét. Tôi sẵn sàng nghe anh trao đổi và thật thà mong, nếu như sau cùng, những suy nghĩ này thành được một cái gì đó thì nó là một thứ coproduction(1) gắn liền tên tuổi hai đứa mình…
(1) Sản phẩm chung.
Luân nhận xấp bản thảo, lật qua…
- Tôi thử cố gắng. Chưa chắc tôi có thể giúp ích được gì cho anh. Cứ nhìn độ dày của công trình, tôi hiểu là anh dồn cho nó nhiều sức lực…
- Anh cứ thẳng thắn… Giữa chúng ta, cái quý là thẳng thắn. – Nhu ngả người trên ghế dựa – Thế nào, nơi ăn ở của anh ổn chứ?
Luân cười mỉm:
- Đã gọi là thân tình mà anh còn hỏi theo cách đó? Hằng ngày, chẳng lẽ nhân viên của anh không báo cáo đều đặn cho anh sao?
Nhu không một chút bỡ ngỡ, cười rộ:
- Anh không cần bảo vệ sao?
- Bảo vệ kiểu tên Mạch Điền, tôi chẳng thấy thú vị!
- Được rồi! Tôi hứa từ nay, những trò trẻ nít ấy sẽ không bao giờ tái diễn. Ông bác sĩ Tuyến thường hay đánh giá sai đối thủ!
- Cố vấn của tướng Viễn, ông Lại Hữu Tài, vừa đến nhà tôi. – Luân nói và thừa biết rằng Nhu đã nghe hết câu chuyện đối đáp giữa Luân và Tài.
- Vậy sao? – Nhu tỏ vẻ kinh ngạc. Luân thầm phục Nhu đóng kịch thật tài.
- Ông ta mời tôi tham gia ban cố vấn một mặt trận nào đó của các giáo phái sắp thành lập. Tôi từ chối, bị ông ta “sạc” ột trận rát đa.
Nhu cười nhẹ:
- Lại Hữu Tài được xem như là linh hồn của Bình Xuyên, song ông ta không đủ thông minh để hiểu ông ta gặp ai. – Nhu bỗng chuyển giọng – Mọi hi vọng hòa hoãn đã tiêu tan… Tôi nghĩ là anh sẽ không thuyết phục nổi họ.
- Chưa đến nỗi như vậy đâu. – Luân nói, trầm trầm – Tôi sẽ còn gặp họ. Khó mà đoán trước tôi thành công hay thất bại, song tôi chưa bỏ cuộc. Viễn ảnh chém giết vô lối đêm ngày giày vò tôi.
- Anh là một quân nhân mà một mực ngại đổ máu. Trong khi đó, anh bạn của anh – anh Nguyễn Văn Ngọc – lại hình như rất thích thú chơi với lửa…
- Có việc đó sao? – Luân cố nén hồi hộp.
- Tôi nắm trong tay khá đủ bằng chứng. Ông Ngọc đã đi lại nhiều lần vùng rừng Sác, Soài Rạp, sang bên Long Thành nữa. Có vẻ ông ấy định thành lập một chiến khu đánh lại chúng tôi…
Nhu ngó Luân, như muốn tìm hiểu:
- Phía bên các anh có lợi gì khi liên minh với Bình Xuyên?
- Tôi đảm bảo với anh không hề có một chủ trương như vây!
- Tôi tin anh... Chắc là quan điểm riêng của ông Ngọc.
Nhu bước lại bàn viết, rút ngăn kéo.
- Đã đến lúc anh không thể coi thường những trò đánh lén. Anh cần có vũ khí tự vệ. - Nhu đặt lên bàn một khẩu súng ngắn – Anh thích loại nào? Colt, Remington, Viker, Brockning? – Rồi Nhu cười hóm hỉnh – Rất tiếc, tôi không sẵn các hiệu của Nga Sô và Trung Cộng. Đây là khẩu P.38 do Canada sản xuất. Kĩ nghệ vũ khí của Canada không tồi…

- Hiệu súng, nước sản xuất súng, loại súng… đều không quan trọng! - Luân đáp lại, cũng cười hóm hỉnh.
- Tôi biết, cái quan trọng là tài của người bắn. Điểm này, tôi phục anh!
- Tài bắn cũng chưa quan trọng. Cái quan trọng là bắn vào đâu!
Nhu đưa tay lên trời, sôi nổi:
- Trước mắt, chúng ta có thể thỏa thuận: không bắn vào tôi, không bắn vào anh! Được chớ?
Luân nhún vai, cười bằng mắt, nhận khẩu súng.
- Các phe phái chẳng e ngại gì mà không tặng cho anh vài phát. Thậm chí họ cũng chẳng e ngại gì mà không cài vào xe anh vài kí lô chất nổ. Tôi mong anh thận trọng… Tôi buộc phải nói thẳng với anh: Mai Hữu Xuân chẳng ưa gì anh, chẳng ưa gì mối quan hệ giữa tôi và anh. Mà ông ta là giám đốc Nha an ninh quân đội. Còn Tổng nha cảnh sát của Lại Văn Sang… Tôi đã bàn với bác sĩ Tuyến, anh cần một bảo vệ. Tất nhiên, anh sẽ chọn trong số những người đã được huấn luyện… Tôi hứa danh dự với anh: người đó chỉ có mỗi nhiệm vụ bảo vệ anh, tuyệt đối không kiêm thêm việc gì khác. Có thể anh không tin, nhưng rồi anh sẽ thấy sự thật…
Luân đồng ý:
“Càng hay!” Anh nghĩ bụng, “Giám sát chặt chẽ có nghĩa là anh ta chưa tin mình đồng thời anh ta vẫn hi vọng...”
*
Ra khỏi phòng làm việc của Nhu, Luân gặp Bác sĩ Trần Kim Tuyến. Con người nổi rất nhanh này – khó mà tưởng tượng kẻ có dáng dấp nho nhã lại là một mưu sĩ khôn ranh, một hung thần sắt máu – tươi cười chào Luân như những lần khác. Ông ta tiễn Luân ra xe với cử chỉ bao giờ cũng nhún nhường của một đàn em.
- Tôi muốn thưa với ông kĩ sư một việc – Tuyến nhỏ nhẹ nói.
Luân lắng tai:
- Bác sĩ cứ nói!
- Trong tình hình chính trị hiện nay, nếu ông kĩ sư ra một bản tuyên bố cá nhân bày tỏ thái độ đối với Chính phủ của cụ Ngô thì theo tôi là rất có lợi…
Luân mỉm cười:
- Tại sao ông có ý nghĩ đó?
- Vì sự cần thiết chung và vì nhu cầu của riêng bản thân ông kĩ sư. – Tuyến nói rành rọt.
- Ông quên rằng tôi không bao giờ có thể là một tên phản bội? Sự cần thiết chung thì tôi chưa tính ra như ông nói, còn riêng tôi, tôi chẳng có nhu cầu nào như vậy!
Tuyến vẫn một mực tươi cười mở cửa xe cho Luân:
“Một đòn gió nữa của Nhu!” Luân thở phào khi xe ra khỏi cổng.
Giữa đêm, Luân che ngọn đèn bàn, không để ánh sáng lọt ra ngoài. Cửa đóng kín.
Anh ghi lên tờ giấy tất cả mẫu tự quốc ngữ và latin: A Ă Â B C D Đ E Ê G H I J K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y Z W. Theo một khóa quy ước, anh viết vào một mảnh giấy bản mật mã: Đ Q Ô – Z D Ă – R T J – W Y X -...
Đồng hồ gõ hai tiếng, Luân mới làm xong báo cáo đầu tiên gửi anh Sáu Đăng.
Luân trút thuốc ra khỏi điểu thuốc lá, đặt bản báo cáo đã cuốn nhỏ vào giữa, nhét thuốc như cũ.
Một lát sau, bóng Luân chập chờn trong gara xe, với ngọn đèn pin bọc trong chiếc khăn tay, chỉ buông ánh sáng lờ mờ. Anh loay xoay một lúc với đầu máy chiếc Opel.
Ở phòng canh, Vũ Huy Lục thở đều đều…
… Lục chở Luân chạy theo đường Legrand de la Liraye. Từng chập, chiếc Opel như hụt hơi. Mấy lần Lục dừng xe kiểm tra, song không rõ vì sao xe trở chứng.
Đến đầu đường Audouit, Luân tỏ vẻ bực mình, bảo Lục đưa xe vào một xưởng nhờ sửa.
Xe đỗ lại xưởng, một số thợ đến, trong đó có một chú nhỏ mặt mũi lấm lem dầu mỡ.
Chỉ vài phút sau, người thợ già đã cười:
- Có gì đâu, dây điện bắt vào bình điện bị lỏng…
Lục thử máy. Xe bây giờ nổ giòn giã.
Trả tiền xong, Luân mời mỗi người thợ một điếu thuốc. Chú thợ nhỏ - mắt rất sáng, cười chìa chiếc răng lòi xỉ - giắt điếu thuốc lên mép tai:
- Em đi rửa tay rồi mới hút.
Chú bước vào bên trong.
Lục không thể biết chú thợ nhỏ đó là ai. Còn Luân, tất nhiên anh biết.
“Thằng Sa coi bộ khá thạo kiểu cách sống ở chợ!”
Luân nói thầm. Anh rất vui.