Câu chuyện mở đầu theo lối “vấn đáp” cộc lốc như vậy. Luân thừa hiểu tướng Minh không ưa Luân, kẻ như con cháu nhà Tổng thống. Có thể nói ông đề phòng Luân. “Ông ta coi mình như một Cần lao gộc, bộ hạ thân tín của Diệm. Hơn nữa, hạng “sớm đầu tối đánh,” vì mình từ chiến khu về. Trong hàng các tướng lĩnh của Diệm, Luân để ý đến Dương Văn Minh. Ông ta có phần nào tự phân biệt với các sĩ quan cao cấp khác ở cái mà đám bộ thuộc coi ông như một thứ Mạnh Thường Quân. Người ta thường nhắc đến ông về mặt nhân cách hơn là tài năng. Luân giao thiệp với tướng Minh đều đặn khi ông phụ trách Bộ tư lệnh hành quân và Luân tìm thấy ở ông còn sót lại những nét chất phác nhất định mà những đồng cấp của ông đánh mất từ lâu. Ông không mang tai tiếng về rượu, về gái nhất là về buôn lậu. Ông lại kém khoa ăn nói, phần nào hơi hệch hạc.
Ngồi trước mặt Luân là một trung tướng bốn mươi bảy tuổi, cắt tóc ngắn, thân hình vạm vỡ. Giá như đây không là cuộc yết kiến của một sĩ quan trong Tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống với vị tướng cố vấn quân sự đặc biệt của Tổng thống mà là cuộc trao đổi về quần vợt thì chắc sẽ sôi nổi - tướng Minh vốn là một cây vợt có hạng trên sân C.S.S(5). Luân để ý đến tướng Minh còn vì một lí do khác: Hồ sơ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến chứa nhiều nghi vấn về mối quan hệ giữa tướng Minh với “phía bên kia.” Dĩ nhiên bác sĩ Tuyến có thói quen thổi phồng những mối liên hệ ấy: Kì thật, trong dòng họ của ông Minh có một số đi kháng chiến, kể cả đứa em ruột của ông nay là một sĩ quan Bắc Việt. Ngoài ra không còn cái gì khác. Rất dễ hiểu, con đường thăng quan tiến chức của tướng Minh khá chậm. Ông nổi tiếng trong chiến dịch Hoàng Diệu cuối năm 1955, truy kích tàn quân Bình Xuyên ở Rừng Sác sau khi Trịnh Minh Thế chết. Bấy giờ ông mang hàm đại tá và trợ lí cho ông là trung tá Nguyễn Khánh. Đầu năm 1956, Diệm sai ông bình định miền Tây với chiến dịch mang tên Nguyễn Huệ và ông đeo lon thiếu tướng, cũng vẫn do Nguyễn Khánh - hàm đại tá - trợ lí. Trong bốn tháng, chiến dịch kết thúc, ông được coi là người có công phủ dụ Năm Lửa và Ba Cụt về với Diệm. Tháng tám năm đó, ông được bổ làm Tổng thư kí trường trực Bộ Quốc phòng, kiêm chỉ huy Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, kiêm luôn chỉ huy chiến dịch Thoại Ngọc Hầu, kế tiếp chiến dịch Nguyễn Huệ và song song với chiến dịch Trương Tấn Bửu ở miền Đông do Mai Hữu Xuân chỉ huy. Trong quân đội, người ta chờ ông lên trung tướng. Tháng 12-1956, danh sách thăng chức được công bố. Trung tướng Lê Văn Tỵ thăng đại tướng, các thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Văn Đôn, Trần Văn Minh - còn gọi là Minh nhỏ - thăng trung tướng, Đại tá Thái Quang Hoàng thăng thiếu tướng. Không có tên Dương Văn Minh. Những người thông thạo thời cuộc cho rằng ông bị thất sủng, có thể vì ông không tán thành cách xử sự đối với tướng Hòa Hảo Ba Cụt: Ngô Đình Diệm cho Nguyễn Ngọc Thơ chiêu hàng Ba Cụt lần nữa; tin vào lời hứa hẹn Nguyễn Ngọc Thơ, Ba Cụt đến điểm hẹn: quân đội Diệm phục kích bắt sống Ba Cụt, kết án tử hình và hành quyết ông ta. Cũng có thể tướng Minh xuất thân từ trường võ bị Pháp, và không tỏ ra mặn mà lắm với việc nghiên cứu kiến thức quân sự Mỹ. Gần như ông ẩn cư trong Bộ Quốc phòng - người thay chức Tổng thư kí của ông là bác sĩ Trần Quang Diệu, chẳng liên can gì đến nghề binh. Sau đó ông được thuyên chuyển về Bộ tổng tham mưu, đứng đầu Bộ tư lệnh hành quân một lúc. Gọi là chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh hành quân nhưng trong tay chẳng có quân. Ông dùng thì giờ đọc sách, đánh banh và chơi phong lan. Cũng có dư luận cho rằng sở dĩ Diệm mời ông làm cố vấn quân sự đặc biệt là do vấn đề Phật giáo mỗi lúc mỗi quan trọng về mặt chính trị mà ông là một Phật tử.
(5) Cercle Sportil Saigonale: Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn, nay là sân Tao Đàn.
- Thưa trung tướng, tôi vắng nhà hơi lâu, muốn được trung tướng ột vài nhận định bao quát về tình hình quân sự trong nước. - Nguyễn Thành Luân lái câu chuyện sang phần nghề nghiệp.
Tướng Minh cười. Cái cười phô bày những điều ông không hài lòng:
- Tiếng là cố vấn quân sự cho Tổng thống, tôi được thông tin không đầy đủ. Bộ Tổng tham mưu báo cáo tin chiến sự về cho Phủ Tổng thống, ông Nhu là người tiếp xúc với toàn bộ tin tức ấy, và tôi chỉ được trao cho những phần ít quan trọng hơn hết.
Tôi có thể không cần đọc những báo cáo đó mà nghe thông cáo chiến sự trên đài phát thanh, hai cái không khác nhau mấy. Mỗi ngày, tôi phải vào đấy vì không lẽ không vào. Tổng thống cũng ít hỏi ý kiến tôi. Đại tá Đặng Văn Quang còn bận rộn hơn tôi và khi đại tá về, chắc chắn trong nhóm sĩ quan kề cận Tổng thống, đại tá là người bận rộn nhất! Tôi nghĩ là ông Nhu đã cho đại tá biết những điều cần biết, những điều tôi không được quyền biết!
Luân rơi vào tình thế khó xử. Hẳn là tướng Minh đã nói rất thật.
- Thưa trung tướng, nếu quả cách làm việc ở Phủ Tổng thống là như vậy, tôi cũng không bằng lòng. Một cố vấn quân sự của Tổng thống phải được giao trách nhiệm và chịu trách nhiệm về những vấn đề ảnh hưởng đến cục diện chung.
- Nghị định bổ tôi làm cố vấn ghi khá đầy đủ những trách nhiệm mà đại tá nhắc. Nhưng đó chỉ là một tờ nghị định. Còn tôi, một thứ cây kiểng…
- Thưa trung tướng, tôi sẽ đạo đạt lên Tổng thống và sẽ trao đổi với ông cố vấn Ngô Đình Nhu về việc này. Tôi chỉ mong trung tướng xem tôi là một sĩ quan cấp tá trong Tham mưu biệt bộ, một sĩ quan dưới quyền của trung tướng.
Tướng Minh lại cười, lần này thì chua chát hơn.
- Khó mà phân ranh giữa công và tư ở đây, hiện thời. Phải chi người ta rành rẽ trong việc phân ranh, tình hình đâu có loạn xạ. Tôi là một quân nhân, tôi thích mọi cái rõ ràng. Chính trị can thiệp vào quân sự. Chính trị và quân sự lại bị kinh tế can thiệp. Quốc gia và gia đình lộn xộn. Bây giờ tới phiên đạo này đạo kia chỏi nhau. Anh em chiến sĩ chịu đựng hi sinh mà cấp trên vùi đầu vào những tranh giành, những chia sẻ kì cục, thì làm sao chống Cộng nổi. Mỹ họ dòm ngó nước mình dữ lắm. Tôi sợ tới một lúc nào đó, đại tướng Tỵ, tôi, đại tá, thậm chí Tổng thống sẽ trở thành con rối trong tay họ… - Tướng Minh đang từ từ hé cái phần u uẩn bên trong của ông. Luân lặng lẽ nghe.
- Quân sĩ là để đánh giặc, súng đạn là để bắn giặc chứ không phải để hạ cờ đạo Phật, để bắn vào Phật tử…Xe tăng, đại tá nhớ cho, xe tăng - tướng Minh gằn giọng - lại cán người chỉ vì người đó muốn treo lá cờ đạo. Tôi không thể hiểu vì sao các ông lớn lại bận tâm lá cờ đạo Phật đến như vậy.
- Thưa trung tướng, tôi bắt đầu tìm hiểu các sự kiện ở Huế và cũng thắc mắc như trung tướng.
- Ông thắc mắc thật không? - Tướng Minh soi mói nhìn Luân và có lẽ, vẻ mặt trầm ngâm của Luân bảo đảm được cái thắc mắc thật sự của anh.
- Bây giờ chính đại tá phải trả lời cho tôi: Tổng thống và ông Ngô Đình Nhu muốn đi tới đâu? Ông hãy lấy tư cách là người của gia đình Tổng thống mà trả lời. Tôi muốn hỏi: Cần bao nhiêu nhà chùa bị bao vây nữa? Cần bao nhiêu Phật tử chết nữa? Nói thật, nếu tôi là Việt Cộng, tôi đánh rốc, chúng ta không có đất mà chôn. Tại sao Tổng thống lại biến những người hiền lành thành hung dữ? Giáo sư Fishell vừa hỏi tôi sáng nay câu đó mà tôi không trả lời được. - Tướng Minh ngưng nói, thở nặng nhọc.
“Thế là đã rõ!” - Luân suy nghĩ – “CIA đang chơi trò vừa nhen lửa vừa đổ dầu vừa gọi gió.”
- Đại tá biết giáo sư Fishell chứ?
- Thưa trung tướng, biết. Giáo sư là cố vấn cho các viện đại học của chúng ta. - Luân trả lời để thăm dò hiểu biết của tướng Minh về tên trùm CIA này.
- Phải rồi! Một học giả uyên bác, thấu đáo với các vấn đề Phương Đông. Ông ta quen Tổng thống từ thuở Tổng thống còn ở tu viện Maryland, tận tình đưa Tổng thống về nước, tận tình phò tá Tổng thống. Theo Fishell, đạo Phật ở Việt Nam có lịch sử dài lâu hơn đạo Thiên Chúa. Đối với dân Việt Nam, đạo Phật không phải chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo mà là một thói quen văn hóa. Ông ấy giới thiệu với tôi các sách nghiên cứu về đạo Phật. Phải nói là ông ấy giúp tôi rất nhiều. Chắc đại tá biết, tôi xuất thân từ tú tài đôi toán học, ít đọc các loại sách khác ngoài sách toán. Ông Fishell đã bổ túc cho tôi…
Tướng Minh không thể nghe được tiếng thở dài rất nhẹ của Luân. “Một con cá cắn câu và tay phù thủy Fishell đã thôi miên được viên tướng ngờ nghệch này. Fishell định dùng viên tướng này vào việc gì đây?” Trong nhất thời, Luân chưa tìm ra đáp số.
- Thưa trung tướng, tôi nghĩ rằng Tổng thống muốn chống Cộng. - Luân trả lời chung chung.
- Tự nhiên là như vậy, không ai không thấy, nhưng tới ba bảy đường chống Cộng. Ông Nerhu, ông Unu, ông Phouma, ông Sihanouk không chống Cộng sao?

Qua câu nói, tướng Minh đã cho Luân một vài cơ sở đánh giá xu hướng chính trị, hoặc ít ra, mơ ước vừa manh nha của ông.
Luân từ giã tướng Minh đúng quân phong quân kỉ. Tướng Minh có vẻ hài lòng tiễn Luân ra khỏi phòng.
“Giữa tướng Minh và Mai Hữu Xuân có quan hệ gì không?”
Luân tiếc là chưa chủ ý tìm hiểu khía cạnh quan trọng đó trong cuộc trao đổi vừa rồi.
Bữa cơm chiều trong Dinh Gia Long không được vui. Tuy gọi rằng đó là bữa cơm đón tiếp vợ chồng Luân nhưng câu chuyện lại xoáy quanh những sự kiện dồn dập xảy ra trong ngày. Đức Giám mục - vừa từ Huế bay vào - cho biết vòng vây chùa Từ Đàm vẫn thắt chặt nhưng Phật tử bên ngoài vẫn liều mạng xông vào tiếp tế. Các chùa khác ở Huế đều tiếp tục cầu siêu. Nhu cho biết ở đô thành, tất cả các chùa thuộc các môn phái khác nhau đều cầu siêu, trừ một nhóm thuộc phái Cổ Sơn Môn. Tình hình các tỉnh cũng tương tự. Những nhóm Cổ Sơn Môn, thường gọi là thầy cúng, không có ảnh hưởng trong giới Phật giáo.
Cuối bữa ăn, Nhu có báo ngày mười lăm Tổng thống sẽ gặp một phái đoàn Phật giáo.
- Gặp phái đoàn Phật giáo? - Trần Lệ Xuân không giấu nổi kinh dị.
- Phải gặp! Dư luận xôn xao lắm… - Nhu trả lời.
- Đã thế, tại sao anh không bắt Tổng thống đến chùa Xá Lợi hay chùa Ấn Quang dâng hương niệm Phật! - Trần Lệ Xuân xô ghế, rời bàn ăn, bỏ ra ngoài. Bữa cơm giải tán trong không khí nặng nề.
Về nhà, Luân đi lại suốt mấy tiếng đồng hồ ngoài hàng hiên. Anh tổng hợp các dữ kiện và cố gắng tìm xem mối liên hệ lục giác phát triển đến đâu: CIA - Phật giáo - Quân đội Sài Gòn - Phòng nhì Pháp - các phe phái chống Diệm - phần tử yêu nước Phật tử.
*
Thông báo của Phủ Tổng thống:
Thứ tư 15-5-1963 từ 10 giờ 30 đến 13 giờ, tại Dinh Gia Long, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã tiếp một phái đoàn Phật giáo gồm các vị:
Thượng tọa Thích Thiện Hòa, Trị sự trưởng Giáo hội tăng già toàn quốc.
Thượng tọa Thích Tâm Châu, Phó hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Ông Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt.
Đại đức Lâm Em, Phật giáo phái Théravada (người Việt gốc Miên).
Đại đức Phát Tri, Phó tăng thống Phật giáo nguyên thủy Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Phó trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt.
Cụ Vũ Bảo Vinh, Hội Phật học Bắc Việt.
Cùng dự buổi tiếp kiến với Tổng thống có ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương và ông Bộ trưởng Bộ công dân vụ Ngô Trọng Hiếu.
Phái đoàn đã trình lên Tổng thống bảy nguyện vọng. Tổng thống đã cứu xét từng nguyện vọng và đã giải quyết thỏa đáng. Cuộc tiếp xúc kết thúc trong tinh thần hiểu biết và thân ái.
Tường thuật cuộc họp báo của phái đoàn Phật giáo:
Sài Gòn (Tin riêng của báo Lẽ Sống)

Chiều hôm qua, 16-5, tại chùa Xá Lợi, phái đoàn đại diện Phật giáo sau khi tiếp kiến Tổng thống đã mở cuộc họp báo. Ngoài các vị trong phái đoàn, có thêm nhiều thượng tọa, đại đức, các đại diện báo chí trong và ngoài nước và đông đảo Phật tử. Sau khi ngỏ lời chào thường lệ, thượng tọa Thích Thiện Hoa, phát ngôn viên của phái đoàn, trình bày như sau:
- Phái đoàn của chúng tôi gồm có năm đại đức và hai cư sĩ. Trong số năm nhà sư, bốn thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam, phái Đại thừa, một thuộc phái Nguyên thủy người Việt và một thuộc phái Théravada người Việt gốc Miên.
Thành phần ấy chỉ rằng tuy chia nhiều môn phái, chỉ có một Phật giáo ở Việt Nam và trong mọi trường hợp, tất cả các môn phái ấy đều đoàn kết chặt chẽ trong tinh thần cũng như trong hành động.
Do ông Bộ trưởng Công dân vụ hướng dẫn, chúng tôi được Tổng thống tiếp hồi 10 giờ 45, tại Dinh Gia Long, trước sự hiện diện của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Sau khi kính chào Tổng thống, chúng tôi có trình một bản nguyện vọng, gồm năm điểm chính và hai điểm phụ, ghi rõ trong một tuyên ngôn do vị lãnh đạo tối cao Phật giáo Việt Nam (Hòa thượng Thích Tịnh Khiết) và các Đại đức, Chủ tịch Giáo hội Tăng già và Hội Phật giáo Trung phần kí tên ngày 10-5-1963. Năm điểm chính ấy là:
1. Bãi lệnh cấm treo cờ Phật giáo.
2. Cho Phật giáo hưởng một chế độ ngang hàng với các Hội Truyền giáo Thiên Chúa.
3. Chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo hiện nay ở Huế.
4. Cho tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.
5. Đền bồi cho gia đình nạn nhân và nghiêm trị những người có trách nhiệm trong vụ đổ máu.
Hai điểm phụ do phái đoàn chúng tôi thêm vào là:
- Chính phủ bảo đảm an ninh cho phái đoàn độ hai mươi người (tăng già và cư sĩ) ra thăm Phật giáo Huế và an ủi vác gia đình nạn nhân.
- Ra lệnh các cấp quân chính đừng làm điều gì trở ngại những buổi lễ cầu siêu cho vong linh nạn nhân ở khắp các chùa toàn quốc.
Sau đây là những giải quyết của Tổng thống:
1. Bãi lệnh treo cờ:
Tổng thống báo sở dĩ có lệnh cấm treo giáo kì ngoài vòng trụ sở của mỗi tôn giáo là vì chính Tổng thống đã nhận thấy bên Phật giáo cũng như bên Công giáo, việc sử dụng lá cờ đạo quá bừa bãi và không có tinh thần tôn trọng màu cờ quốc gia. Để tránh những hiểu lầm ở cấp thừa hành, Tổng thống đưa ra một thể thức ấn định sự sử dụng cờ Phật giáo như sau trong các ngày lễ Phật giáo:
a) Tại chùa hay trụ sở hành lễ: Ngoài đường treo cờ quốc gia. Trong phạm vi chùa hay trụ sở, nếu có treo đại kì thời trên lá cờ quốc gia, dưới là cờ Phật giáo nhỏ hơn. Từ ngoài cổng chùa hay trụ sở trở vô được treo cờ Phật giáo xen với cờ quốc gia.
b) Tại đài làm lễ lộ thiên: Cũng một nguyên tắc, nghĩa là ngoài phạm vi lễ đài và ngoài đường thời treo cờ quốc gia. Phía trong treo cờ Phật giáo xen với cờ quốc gia.
c) Đám rước: Đại kì quốc gia đi trước, đại kì Phật giáo đi sau ở đầu đám rước. Ngoài ra, tuyệt nhiên không có một lá cờ nào khác.
d) Tại tư gia Phật tử: Được treo cờ Phật giáo trước bàn thờ
2. Cho Phật giáo hưởng một chế độ ngang hàng với các Hội truyền giáo Thiên chúa:
Phái đoàn trình rằng, Dụ số 10 quy định các hiệp hội (associations) đã đặt các Hội truyền giáo Thiên chúa ra ngoài thể lệ ghi trong các Dụ ấy và có dự rằng sẽ có một quy chế riêng cho các Hội truyền giáo nói trên. Nhưng trên mười năm rồi, chưa thấy ban hành quy chế riêng ấy.

Tuy nhiên, Công giáo tiếp tục được hưởng những quyền tự do do những kí kết với Chính phủ Pháp xưa lưu lại, còn Phật giáo thời được xem như những hiệp hội ngoài đời và mọi hoạt động đều bị gò bó trong những thể lệ của Dụ số 10.
Tổng thống đáp: Đây là một vấn đề hành chính chuyên môn cần phải nghiên cứu.
Phái đoàn lưu ý Tổng thống về điểm Nha trước bạ bắt buộc Hội Phật giáo muốn mua đất xây cất cơ sở, phải có phép trước của Tổng thống. Sự bắt buộc ấy, nếu áp dụng cho các hội truyền giáo ngoại quốc, thời hiểu được, còn áp dụng cho các tổ chức Phật giáo trong nước thời không có lí do. Tổng thống bảo có lẽ có sự hiểu lầm, vậy phải trình cho Tổng thống biết chẳng những trong việc này mà trong tất cả các việc khác nếu Phật giáo thấy có sự sai lầm.
3. Chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo hiện nay ở Huế:
Tổng thống đáp: Chính quyền có phận sự giữ gìn an ninh trật tự. Nếu chấm dứt bắt bớ thời kẻ tạo loạn thừa cơ mới làm sao? Ông Bộ trưởng Nội vụ quả quyết không có nhà sư nào bị bắt, còn những kẻ bị bắt là những hạng lưu manh phá rối. Ông Bộ trưởng Công dân vụ lớn tiếng phản kháng câu “Khủng bố tín đồ Phật giáo”
Đáp câu hỏi của phái đoàn, ông Bộ trưởng cho biết chưa tìm ra thủ phạm ném plastic, nhưng theo cuộc điều tra thì có lẽ Việt Cộng.
Phái đoàn hỏi: Ông Bộ trưởng đã nói là công chúng bất thình lình kéo nhau đến đài vô tuyến nghe phát thanh chứ không có ý biểu tình. Như vậy thời làm sao kẻ phá rối biết mà đem plastic đến liệng, vì hành vi này bao giờ cũng có sự chuẩn bị trước, sau khi biết rõ là có sự tụ họp.
Ông Bộ trưởng đáp: Kẻ phiến loạn có lẽ đã len lỏi vào hàng ngũ Phật giáo từ sáng, khi đám rước Phật biến thành cuộc biểu tình.
4. Cho tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo:
Tổng thống cho biết quyền tự do tín ngưỡng đã ghi trong Hiến pháp và riêng Tổng thống không bao giờ có ý thiên vị một tôn giáo nào. Bằng cớ là Chính phủ đã để cho Phật giáo tự do tổ chức tín đồ từ thành thị đến thôn quê và thực hiện nhiều cơ sở tốt đẹp.
Phái đoàn trình có nhiều sự áp bức khó dễ cấp thừa hành với dụng ý chận nghẹt sự sinh hoạt hằng ngày của Phật giáo.
Tổng thống bảo nếu có những sự kiện như thế, thời trình nhà chức trách cấp cao hơn xét xử.
Phái đoàn cho rằng có nhiều việc đã trình ngay Tổng thống mà chưa được giải quyết, thí dụ như gần đây việc xin nhập cảnh phim “Sakya.” Trong lúc Phật giáo chờ sự giải quyết của Tổng thống thì Bộ Kinh tế cho phép nhập tạm.
Tổng thống, cũng như ông Bộ trưởng nội vụ và công dân vụ quả quyết rằng việc nhập tạm là một thủ tục hành chính không liên can gì đến sự quyết định đã có rồi của Chính phủ là phim Sakya sẽ bị cấm chiếu trên toàn quốc.
5. Đền bồi cho các gia đình nạn nhân và nghiêm trị những người có trách nhiệm trong cuộc đổ máu:
Tổng thống cũng như ông Bộ trưởng nội vụ cho biết trong số nạn nhân có người Công giáo, có người không phải là Phật giáo, con em của cảnh binh và nhân viên. Tòa đại biểu Chính phủ đã nghĩ đến việc trợ cấp cho tất cả. Còn việc nghiêm trị thời cuộc điều tra đang tiếp tục.
- Bảo đảm an ninh ột phái đoàn ra Huế:
Sau khi cân nhắc hiệu quả trong việc bảo vệ trật tự công cộng nhân một phái đoàn ra Huế, Tổng thống giao cho ông Bộ trưởng Công dân vụ phối hợp với Bộ Nội vụ liên lạc với nhà chức trách ở Huế để thương lượng với các cấp lãnh đạo tại chỗ hầu tránh mọi sự dao động khi phái đoàn trong Nam ra thăm.
Ngày giờ khởi hành, tùy từng phái đoàn và sẽ gồm ba tăng và ba cư sĩ.
- Ra lệnh đừng làm trở ngại các lễ cầu siêu trên toàn quốc:
Tổng thống có ý kiến nên tổ chức trong chùa và đừng tụ họp quá đông. Ông Bộ trưởng Công dân vụ đề nghị đợt tới, rằm tháng bảy làm long trọng cho toàn thể chúng sinh.
Trên đây là ý kiến hoặc quyết định của Tổng thống. Phái đoàn chúng tôi sẽ trình lại cho các Ban trị sự Phật giáo toàn quốc biết và lấy quyết định chung.
Sau khi thượng tọa Thích Thiện Hoa thông báo kết quả cuộc họp với Tổng thống, một cư sĩ không xưng tên đã đứng lên tả lại cảnh tượng ở chùa Từ Đàm và ở Đài phát thanh Huế. Theo cư sĩ này, chính quyền đã cố ý dùng vũ lực cấm ngày Phật đản và không ngại cả sự chém giết. Hiện nay, chùa Từ Đàm bị phong tỏa, nhiều tăng ni và Phật tử kiệt sức. Ông báo động với dư luận trong và ngoài nước. Giữa lúc cư sĩ đang nói, nhiều người mặc thường phục nhưng lưng lại đeo súng, chen lên gần bục gỗ. Một số thanh niên Phật tử lập ra hàng rào bảo vệ. Đáng lẽ còn có mục hỏi của nhà báo và trả lời của phái đoàn song còi cảnh sát đã rú liên hồi. Cả chùa báo động, sợ bị phong tỏa như chùa Từ Đàm, nên mọi người kéo nhau ra đường. Ở các ngã dẫn đến chùa Xá Lợi, cảnh sát dã chiến đã dàn hàng, sửa soạn tấn công. Số hiếu động trong Phật tử cũng tìm gậy, đá, sẵn sàng nghinh chiến.
Không rõ do một lịnh từ đâu, cảnh sát dã chiến tự nhiên rút êm… Nhưng cuộc họp báo cũng bất thành.
THÔNG CÁO CHUNG VIỆT - MỸ
Sau một thời gian nghiên cứu, Chính phủ Mỹ thỏa thuận tăng gia việc trợ cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ngỏ hầu thực hiện chương trình Ấp chiến lược mà tổng chi phí lên đến trên 2 tỉ đồng. Ngay lập tức, Chính phủ Mỹ góp thêm năm mươi lăm triệu Mỹ kim tính bằng nông phẩm, phân bón, kẽm gai, xi măng, vũ khí dùng cho dân vệ.
Sài Gòn, ngày 17 tháng 5 năm 1963.

Kí thay Chính phủ Mỹ:
Đại sứ Nolting
Kí thay Chính phủ Việt Nam Cộng hòa
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Vũ Văn Mẫu
THÔNG CÁO BÁO CHÍ CỦA TÒA BẠCH ỐC
Ngày 25-5-1963, Tổng thống Mỹ Kennedy đã cho báo chí biết rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam bất cứ lúc nào mà Chính phủ Việt Nam Cộng hòa yêu cầu; một ngày sau khi có yêu cầu đó, quân đội Mỹ sẽ lần lượt về nước. Tổng thống hi vọng tình thế Việt Nam cho phép, vào cuối năm nay, quân đội Mỹ đã có thể rời Việt Nam.
THÔNG TRI CỦA VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG
Do có nhiều tin tức xuyên tạc cố ý, Văn phòng Tổng thống nhắc lại với công chúng: Chính phủ không hề chủ trương kì thị tôn giáo, vẫn tôn trọng tự do tín ngưỡng…
THÔNG BÁO CỦA GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NAM VIỆT
Để tưởng nhớ các Phật tử tử nạn ở Huế, các tăng ni và Phật tử chùa Ấn Quang và Xá Lợi quyết định tuyệt thực bốn mươi tám giờ, kể từ ngày 30-5-1963.
THÔNG CÁO CỦA NHA CẢNH SÁT ĐÔ THÀNH
Từ 14 giờ 30 đến 18 giờ hôm nay, 30-5, một số tăng ni biểu tình trước trụ sở Quốc hội. Để bảo vệ an ninh trật tự, cảnh sát được lệnh giải tán. Vài cuộc xô xát do hiểu lầm xảy ra. Không ai bị thương.
THÔNG BÁO KHẨN CỦA PHÁI ĐOÀN PHẬT GIÁO
Một số tăng ni đến Quốc hội yêu cầu thực hiện những điều Tổng thống hứa, đã bị cảnh sát đàn áp bằng lựu đạn cay và dùi cui. Nhiều tăng ni bị thương nặng.
Chùa Từ Đàm (Huế) đang nguy ngập: chính quyền đã cắt điện, nước một tuần lễ nay.
Ngày 3 và 4 tháng 6, Phật tử Huế lại bị cảnh sát đàn áp.
THÔNG CÁO CỦA PHỦ TỔNG THỐNG
Theo chỉ thị của Tổng thống, một Ủy ban liên bộ gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương, Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần do Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu, đã thành lập để cùng phía Phật giáo giải quyết các khó khăn phát sinh từ một tháng nay.
Phần Phật giáo, một Ủy ban liên phái đã thành lập, gồm các Thượng tọa Thích Thiện Minh, Thích Thiện Hoa, Thích Huyền Quang, Thích Đức Nghiệp do Thượng tọa Thích Tâm Châu đứng đầu.
Phiên làm việc đầu tiên giữa hai Ủy ban ấn định vào ngày 5-6-1963.
Điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi đại sứ Nolting:
Tổng thống xác định lập trường ủng hộ cố gắng của Chính phủ Việt Nam do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Quan điểm của Tổng thống là các vụ Phật giáo không thể trở thành lí do để Chính phủ Mỹ xét lại thái độ của mình…
(Bản sao điện tín này được gửi cho Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu và Ngoại trưởng đã chuyển cho văn phòng Phủ Tổng thống)
Điện tuyệt mật của Colby gửi Fishell:
Vụ “Phật giáo” chỉ tiến triển đến mức đó thì chưa thể “bắn tín hiệu xanh.” Trao đổi thêm với John Hing. Trực tiếp gặp Lâm Sử để hoàn thành kế hoạch “Hight-pressure”(6) và sửa soạn kế hoạch “Horse-tail”(7) một khi cái trước thực hiện trót lọt.
(6) Cao áp.
(7) Đuôi ngựa.