“Ôi... Chao ôi... Gió bão tan rồi sao?”

Thuyền trưởng họ Trương thở hổn hển gục trên bánh lái, cảm nhận sự kiệt sức đang ập đến vào lúc này tựa như cơn bão vừa rồi.

Những người còn lại thẫn thờ nhìn trời biển, thậm chí có người còn khóc vì sung sướng.

“Đúng là ông trời có mắt! Đúng là ông trời có mắt...”

“Cảm tạ trời cao!”

“Cũng có thể là đức Long vương đã ban ơn!”

“Chúng ta vẫn còn sống! Ha ha ha ha, chúng ta vẫn còn sống!”

Phần hồn vía lên mây do hoảng sợ của mấy tay thuyền viên dần quay lại. Có ai đó thét lớn đầy phấn khích; và trong khi thuyền trưởng bắt đầu kiểm đếm số lượng thuyền viên, có vài người bắt đầu tìm kiếm những con thuyền khác.

“Này... mọi người bên kia ổn chứ? Có ai thấy những chiếc thuyền khác không?”

Có người trên thuyền đánh cá bên kia thét lên, Trương gia cũng vội vàng lớn tiếng đáp lại.

“Ta thấy rồi… Ta gặp ba chiếc bên trái, còn một chiếc mà tìm hoài không thấy!”

Hiện tại, hầu như trời lặng gió hoàn toàn tại vùng biển này. Các ngư dân sống sót sau tai nạn vội vàng sửa sang lại khoang thuyền, tìm lại mái chèo, lấy mái chèo dài từ kho thuyền ra rồi cố định chúng lại, bắt đầu chèo thuyền.

Trong chốc lát, những chiếc thuyền này vội tiến lại gần nhau. Còn may, không có chiếc nào trong số sáu chiếc mất tích cả, có một chiếc đến muộn là do bị sóng đánh trôi dạt đi quá xa mà thôi.

Tuy nhiên, không thể tập hợp đủ hết thuyền viên trên sáu chiếc thuyền. Tổng cộng có ba người mất tích, còn thương thế của nhóm ngư dân hiện tại chỉ là chuyện nhỏ, đa phần là bầm dập hoặc trầy da.

Tuy ba người kia còn không biết rõ sống chết, nhưng ai cũng hiểu chắc hẳn là họ đã táng thân nơi biển rộng mất rồi. Cơ mà, hiện trạng thế này đã là vạn hạnh trong bất hạnh, thay vì nguy cơ mất sạch cả thuyền lẫn người như ban nãy.

Những người còn sống trên sáu chiếc thuyền tập hợp lại, cuối cùng bày một bàn thờ giữa thuyền với một lư hương tưởng niệm. Sau đó, tất cả ngư dân cùng quỳ trên thuyền, kính lạy trời, rồi cúi lạy biển.

Kế Duyên nhìn theo hướng của sáu chiếc thuyền đánh cá từ đỉnh núi trên hòn đảo xa xôi. Mặc dù không thể nhìn thấy những gì đang diễn ra ở đó bằng mắt thường, hắn vẫn nhận ra hương hỏa và nguyện lực đang bốc lên, chắc tám phần là họ đang dâng lễ tạ ơn các vị thần đã giúp cả đoàn biến nguy thành an.

Thậm chí, Kế Duyên còn có thể nhìn thấy một ít nguyện lực chìm nổi đang bay về phía hắn. Tuy vậy, hắn chỉ liếc sơ bằng pháp nhãn rồi vẫy tay đánh tan vì không định vướng vào con đường này.

Những chiếc thuyền kia chạy tìm kiếm xung quanh một phen nhưng không tìm thấy thi thể của ba người mất tích. Sau một đêm neo đậu cạnh hòn đảo gần đó, họ lập tức quay trở về hướng đất liền vào ngày hôm sau.

Trên bầu trời, hai đạo sắc lệnh trước đó vẫn chưa hoàn toàn tiêu tán.

Kế Duyên bình tĩnh trở lại, vẫy tay, khiến con chữ vốn đã hóa thành làn hơi nước khổng lồ với bán kính hơn trăm trượng kia bay trở về như được một sức mạnh nào đó dẫn dắt. Con chữ vô hình ấy dường như trở thành một vật hữu hình, va mạnh vào hòn đảo, tạo ra âm thanh “ầm ầm ầm” inh ỏi, khiến cây cối trên núi lắc lư một hồi, cuối cùng biến mất không thấy tăm hơi. Sau đó, Kế Duyên lại nhập định lần nữa.

Đến lúc này, Kế Duyên mới thực sự hiểu được ý nghĩa của Ngũ Khí Triều Nguyên, nội dung đã từng được nhắc đến một cách mơ hồ trong “Thông Minh Sách” và “Ngoại Đạo Truyện” trước đó. Tất nhiên, cũng có thể là người viết cuốn sách này chưa từng có trải nghiệm ảo diệu như hắn.

Bên trong cơ thể của Kế Duyên có một lượng lớn Ngũ Hành nguyên khí dồi dào, tạo thành một vòng tuần hoàn với cả bên trong và bên ngoài cơ thể. Điều này giúp hắn nối liền khoảng cách giữa trời và đất lại gần nhau hơn, tựa như xây dựng thêm một Kim kiều khác giữa thiên địa, tăng cường độ mẫn cảm và thân cận với sự biến hóa của Ngũ Hành tại thế giới bên ngoài.

Núi đá và cây cối trên đảo, cũng như lớp bùn đất và những dòng nước biển xung quanh nơi đây, tất cả đã hình thành nên một mối giao cảm đặc biệt giữa thiên nhiên và con người mang hơi thở của Ngũ Hành.

Nói một cách trực quan, đối với một số thuật pháp hoặc thần thông, miễn chiêu thức ấy không vượt ra khỏi Ngũ Hành, Kế Duyên đều có thể hiểu rõ và sử dụng nó một cách tự nhiên. Tương tự, nếu đứng chân tại một khu vực đã từng bị người khác thi pháp tác động đến, dù sự tác động ấy có nhỏ nhặt đến mức nào thì hắn đều có thể cảm nhận rõ ràng.

Vốn dĩ, Kế Duyên còn chưa rõ liệu cái gọi là tu một khí đến triều nguyên là đã có thể tự xưng mình là Triều Nguyên chi cảnh trong giới tu tiên kia có phải là trải nghiệm tương tự với bản thân hắn lúc này hay không?

Nhưng tại thời điểm này, hắn dám khẳng định rằng, dù có tu thành một khí hoặc một vài khí trong Ngũ Hành thì vẫn chưa được tính là trọn vẹn do đạo tương sinh chưa mang tính chất tuần hoàn. Nếu sai một ly, ắt đi lệch cả dặm. Do đó, có lẽ là vì những người kia chưa từng cảm thụ được sự huyền diệu mà Kế Duyên đang trải nghiệm lúc này.

Tuy rằng “Thông Minh Sách” chế nhạo xu thế tu một khí Ngũ Hành đến triều nguyên là đã có thể tự nhận mình là Triều Nguyên chi cảnh, nhưng thật ra quyển sách ấy cũng không nói quá nhiều chi tiết bên trong. Nhưng hiện tại, Kế Duyên rất đồng ý với quan điểm này. Hay nói đúng hơn, cái gọi là Triều Nguyên chi cảnh và Ngũ Khí Triều Nguyên chân chính là hai cảnh giới khác nhau.

Trước đó, Ngũ Hành chi khí bên trong cơ thể Kế Duyên rất dồi dào nhưng rốt cuộc vẫn chưa được tính là có thành tựu. Và mặc dù chân ý bên trong quyển “Vân Trung Du Mộng” mang ý nghĩa tiêu dao, chu du giữa thiên địa, nhưng tất cả những góc cạnh có thể quan sát được trong thế giới ấy đều ẩn chứa sự biến hóa liên quan đến Ngũ Hành, xem như đã giúp đỡ Kế Duyên một chuyến, khiến cảnh giới Triều Nguyên của hắn có thể đạt đến ngưỡng vẹn toàn. Đồng thời, sự kiện lần này còn ảnh hưởng sâu sắc đến ý cảnh của hắn, nhưng đó là sự lĩnh ngộ của tâm cảnh và không cần phải ngồi yên tu hành.

Mãi đến mùa hè năm thứ hai, Kế Duyên mới kết thúc tu hành. Hắn mở mắt ra, thở phào nhẹ nhõm. Giữa luồng hơi thở ra của Kế Duyên, có thể thấy được từng tia sáng vàng trắng sắc bén mạnh mẽ bên trong, khí thế tựa cầu vồng.

Sau năm năm, cuối cùng Kế Duyên cũng đứng dậy từ đỉnh núi trên hải đảo. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi này, đôi mắt của hắn hiện lên một tia sáng thần thánh, chớp nhoáng có nét giống một khung hình vuông. Không những thế, đôi mắt vốn dĩ màu xám ẩn hiện một màu xanh lục ngay trong tròng mắt. Chỉ là Kế Duyên chợt híp mắt lại, thế là sự biến đổi vừa rồi chợt biến mất bặt tăm.

“Đồng tử màu xanh ư?”

Kế Duyên lẩm bẩm, nghĩ đến những bài ghi chép bằng văn tự cổ về các vị Cổ tiên mà bản thân từng tình cờ đọc được trên internet ở kiếp trước. Khác hẳn với hình tượng xuất trần thường thấy trong các tác phẩm văn học, điện ảnh và truyền hình, có rất nhiều miêu tả về đặc điểm “đồng tử màu xanh” gắn liền với các vị Cổ tiên buổi ban đầu.

Dĩ nhiên, Kế Duyên của kiếp trước hoàn toàn khác với hiện tại. Nhưng ngược lại, hắn của hiện tại đã có thể hiểu được nguyên nhân bên trong. Cái gọi là mắt người chính là biểu hiện bên ngoài của lá gan. Trong khi đó, lá gan có tính Mộc, và nếu Thanh Mộc chi khí trong Ngũ Hành đủ đầy sẽ khiến mắt tinh rạng rỡ. Thế là, đôi mắt sẽ tự nhiên hiện ra một loại hiện tượng tương tự như đồng tử màu xanh vậy. Người bình thường thậm chí cảm giác đó là một sự quái dị nào đó nếu trông thấy, nhưng thực tế thì hiện tượng này được xem như một tiêu chí của các vị đạo diệu tu tiên.

Kế Duyên bấm đốt tính thời gian, nhận ra đã sắp hết năm Nhâm Thìn rồi. Thế nhưng mà, quãng thời gian này không hề dài, thậm chí còn là quá ngắn. Nếu những vị tu sĩ thông thường muốn đạt đến cảnh giới hiện tại của hắn, chẳng biết họ phải khổ tu bao nhiêu năm nữa, chưa kể đến những rủi ro liên quan đến tai kiếp và bình cảnh. Trong khi đó, nếu tính tổng thể thì Kế Duyên chỉ tu hành chưa đến đến hai mươi năm mà thôi.

‘< Vân Trung Du Mộng > đã giúp mình rất nhiều. Nếu mình có thể gặp Trọng Bình Hưu trong tương lai, nhất định phải có một cái gì đó để báo đáp lại!’

Tất nhiên, những vị ở cấp bậc Chân Tiên không thể trường sinh bất tử được, nhưng khả năng còn sống vẫn rất cao.

Nghĩ xong, Kế Duyên liếc nhìn ra vùng biển rộng ngoài kia, sau đó quay người, sấn bước nhảy vào không trung, đạp lên làn gió nhẹ bay về hướng Tây.

...

Thôn Tiền Cảng và thôn Thiên Loan là một trong những làng chài ở vùng duyên hải kéo dài của Đông hải. Hai cụm dân cư này tương đối gần nhau, có nhiều trường hợp thông hôn, xem như là hai thôn xóm có quan hệ khá thân mật.

Như câu nói “sống miền nào, ăn miền đó” dưới tình huống thông thường, nơi đây chỉ toàn là những ngư dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá.

Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt gần bờ rất ít ỏi. Vì mưu sinh, người dân hai thôn, thậm chí còn bao gồm cả các làng chài khác trong cả vùng duyên hải này, phải thường xuyên tiến ra các vùng biển xa hơn.

Tuy vậy, đường biển ngoài kia quá xa xôi, tốn thời gian di chuyển khá dài, lại còn dễ gặp nguy hiểm. Một ví dụ điển hình chính là đội thuyền đánh cá của thôn Tiền Cảng và Thanh Loan suýt nữa đã chịu cảnh thuyền hủy, người vong vì gặp phải gió lốc.

Nhưng cũng trong lần đó, sáu chiếc thuyền đánh cá lớn của hai thôn đã thành công trong việc hóa nguy thành an như một kỳ tích. Thời gian dần trôi, những chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi xa bắt đầu biết về một hòn đảo thần kỳ nọ.

Dù thời tiết có chuyển biến như thế nào đi chăng nữa, gió và mưa đều sẽ nhỏ dần ở khu vực gần hòn đảo ấy. Nghĩa là, dù có bất ngờ gặp bão, chỉ cần kịp thời điều khiển thuyền đến tá túc ở khu vực phụ cận hòn đảo ấy, thế là có thể gia tăng tỷ lệ chống chọi lại với cơn bão rồi.

Mọi người tin rằng, hòn đảo đó được thần nhân che chở nên cùng tôn xưng là đảo Định Phong. Mỗi khi có một chiếc thuyền đánh cá nào đó, và người trên thuyền biết được lời đồn đãi này, đi đến vùng lân cận của hòn đảo, họ đều bày bàn thờ ra, cúng bái cầu phúc một phen.

Tuy nhiên, mặc dù có một nơi đất lành cho thuyền đánh cá như đảo Định Phong đây, các tàu thuyền dọc theo vùng duyên hải xung quanh đều sẽ phải ra khơi xa hơn nữa vì không sớm thì muộn, họ cũng phải dấn thân vào các lưu vực nguy hiểm hơn khi cá nơi đây đã bị đánh bắt sạch sẽ.

Về lâu dài, chẳng ai chịu nổi cả. Nguyên nhân quan trọng nhất là do vùng biển gần đất liền không hề có cá. Kết quả là, tất cả ngư dân ở các làng chài xung quanh quyết định hợp sức lại, dốc hết vốn liếng để giải quyết triệt để vụ này.

Cũng vào ngày này, Kế Duyên cưỡi gió về đến đất liền.

Đang bay trên bầu trời, Kế Duyên liếc qua các thôn gần đó theo thói quen, tình cờ nhìn thấy thôn bên dưới đang gõ đập một loại công cụ nào đó, nghe vô cùng náo nhiệt. Có rất nhiều người tham gia vào sự kiện kia, hơn hẳn số lượng của một thôn duy nhất. Không những thế, còn có rất nhiều người ở các nơi đang tiến vào ngôi làng này.

‘Là một loại phong tục chào năm mới mà mình chưa từng thấy qua ư?’

Nghĩ đến đây, Kế Duyên cũng hạ xuống từ trên trời. Đã lâu không tham gia náo nhiệt rồi, đi xem một chút cũng tốt, có lẽ còn được ăn một bữa tiệc linh đình. Lúc trước, hắn rất quen thuộc với dạng hành vi này.

Kế Duyên mặc áo choàng xám đứng trên đồi. Ngay khi nhìn thấy một ngư dân trẻ tuổi mặc áo bông đang xoa tay đi ngang qua, hắn bèn giả vờ như mình cũng đang đi ngang qua.

“Này, vị tiểu huynh đệ kia ơi, xin hãy dừng bước!” Nghe có người gọi, chàng thanh niên với vẻ mặt non nớt kia thực sự dừng lại. Dựa theo kinh nghiệm của Kế Duyên, đa phần những người trẻ tuổi sinh sống miền thôn dã thế này luôn có tính tình chất phác, tính cảnh giác kém nhưng dễ bốc đồng, lại nhiệt tình giúp đỡ người nếu có ai đó đến van cầu giúp đỡ.

Thấy chiếc áo choàng dài của Kế Duyên với tay áo rộng thùng thình cộng với dáng vẻ thoạt nhìn như một người có ăn học của hắn, chàng thanh niên này cũng bắt đầu lựa lời đối đáp.

“Vị đại tiên sinh này, ngài gọi ta ư?”

“Đúng rồi! Vị tiểu huynh đệ này, tại hạ là Kế Duyên, dạo chơi đến đây từ một nơi rất xa xôi, vừa đến vùng này thì bị lạc mất phương hướng. Ta trông thấy có rất nhiều người đang tiến về thôn xóm ở đằng kia, lại nghe ra có tiếng gõ đập rất náo nhiệt nữa. Xin hỏi rằng, đó có phải là phong tục quan trọng chào năm mới hay không?”

Kế Duyên chắp tay, hỏi thăm một cách rất ôn hòa và tự nhiên tiến lại gần chàng thanh niên.

Chàng thanh niên cũng vội vàng chắp tay chào hỏi theo một cách không mấy chuẩn mực cho lắm.

“Bên kia à? Đó không phải là phong tục chào năm mới đâu. Vài ngày nữa là đến giao thừa. Vào thời khắc tống cựu nghênh tân, một số ngôi làng cùng hùn hạp tiền của, mời đại sư về xua đuổi tà ma. Mà để mang cá về lại khu vực gần bờ duyên hải, đại sư yêu cầu phải có thật nhiều hơi người xung quanh. Thế là, cư dân các làng lân cận đều đến, còn lập nên đội múa đuốc và tổ chức tiệc tùng kìa!”

“Ồ ồ ồ... Nghe thật lạ tai...”

Kế Duyên giật mình trả lời bằng vài chữ qua loa, trong khi lúc nói nửa câu sau là đang hạ giọng suy tư. Nhìn về hướng ngôi làng đằng kia, chỉ một vài câu ngắn ngủi vừa rồi đã khiến hắn phân tích được khá nhiều thông tin, chẳng hạn như sự hiếm cá ở khu vực ven biển.

Nhưng chỉ giữ dáng vẻ suy tư ấy trong quãng thời gian nhanh bằng một cái chớp mắt, Kế Duyên lập tức giả đò là mình đang có chuyện gì đó vô cùng đau khổ.

“Cứ nghĩ đó là một lễ mừng năm mới, còn định mang mặt dày xin ăn ké một phen, nào ngờ lại là một buổi lễ trừ tà. Ai..! Chắc là người ta sẽ không cho người ngoài như ta tham gia vào. Ta bị lạc khỏi nhóm bạn bè, dạo bước lẻ loi giữa miền quê vắng thế này trong một thời gian rất dài rồi, vừa đói vừa mệt...”

Chàng thanh niên vừa gãi đầu, vừa ngập ngừng nói.

“Thực ra... Thực ra, càng có nhiều tham gia buổi trừ tà thì càng tốt. Nếu ngài không ngại nhiễm phải thứ ô uế, chắc chắn cũng có thể tham gia vào buổi tiệc Nghìn người kia...”

Kế Duyên tỏ vẻ vui mừng, lập tức tiến lại gần vài bước.

“Không ngại, có gì đâu mà ngại! Ta đã nhịn đói lâu rồi, cớ gì mà còn ngại với chả ngùng nữa! Đi nào đi nào! Tiểu huynh đệ, chúng ta đi nhanh lên! Nhờ cậu nói hộ một tiếng giúp ta nhé!”