Ông Chu hết bệnh, cả nhà mới dám thở phào một hơi.

Mấy hôm nay bà Chu lo mất ăn mất ngủ còn bốn anh em Chu Thanh Bách cũng sốt ruột không kém.

Cứ nhớ tới cái đêm hôm ấy là sợ run người, ông Chu sốt cao tới mức thần trí mơ màng, thậm chí còn mê sảng, thều thào trăng trối.

Cũng may có thuốc của vợ thằng tư mới kéo được ông Chu từ quỷ môn quan trở về.

Cái ơn này, Chu gia sẽ không bao giờ quên. Từ giờ trở đi, chỉ cần Lâm Thanh Hoà không làm gì quá đáng tới mức trời không dung đất không tha, thì không một ai có thể lay chuyển được địa vị của cô trong nhà họ Chu.

Trước mặt Lâm Thanh Hoà, ba người chị dâu càng cảm thấy mình kém cỏi, những lúc này không ai dám biểu lộ thái độ gì vì thực sự lúc thấy cha chồng hấp hối họ cũng bị doạ sợ gần chết.

Được uống thuốc và tẩm bổ chu đáo, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng hai ngày, ông Chu đã có thể ngồi dậy, mặc quần áo ấm ra sân hít thở, chầm chậm tản bộ.

Trận bệnh này cũng có thể coi như thập tử nhất sinh, ông Chu gầy rộc cả đi. Dù sao cũng đã lớn tuổi, chỉ mong khỏi bệnh là được còn cơ thể sẽ từ từ điều dưỡng lại sau.

Đại đội trưởng tới tận nhà thăm hỏi động viên: “Ông anh à, trận này khỏi bệnh xong, về sau anh chớ có mà liều mạng. Mấy anh em Thanh Bách đều là những thằng có bản lĩnh, làm sao không nuôi nổi anh và chị dâu cơ chứ.”

Ông Chu: “Vụ rồi tình huống khẩn cấp, nếu mà không chung tay cố sức thì có mà chết đói hết, cho nên mệt thế chứ mệt nữa vẫn phải cố.”

Ông biết lần này mình ngã bệnh cũng một phần là do trận trước làm quá sức. Nhưng hết cách rồi, tự nhiên thời tiết trở xấu, bắt buộc phải gấp rút làm cho sớm, nếu không chỉ có nước chết đói.

Đại đội trưởng bội phục ông Chu tuổi đã cao nhưng đầu óc vẫn còn rất minh mẫn, suy nghĩ đâu ra đấy.

Ông Chu nghỉ lấy hơi rồi nói tiếp: “Ai da, đúng là có tuổi rồi, bệnh một trận mà nghe chừng sức khoẻ xuống cấp tợn, e rằng sau này có muốn cũng chả làm nổi nữa.”

Sợ rồi, bệnh một trận là tởn rồi! Ông muốn bảo vệ sức khoẻ thật tốt, không muốn liều mạng nữa, vì ông còn định sống thêm vài năm hưởng phúc con cháu.

Nghe lời này tất nhiên đại đội trưởng tán đồng ngay. Vất vả hơn nửa đời người, bây giờ con cháu đề huề lại hiếu thuận, không hưởng phúc ngay đi còn định đợi tới khi nào nữa?

29 tháng Chạp, Chu Thanh Bách đi vào thành, lúc về trên ghi đông xe treo lủng lẳng 1 túi lê, anh để ở nhà cho vợ con nửa túi, cầm sang hiếu kính ông Chu nửa túi.

Ông Chu chỉ để ra mấy trái, còn lại bao nhiêu chia hết cho mấy đứa cháu trai cháu gái. Đứa nào đứa nấy vừa ăn lê vừa hơn ha hớn hở.

Chớp mắt một cái đã tới 30 Tết.

Bà Chu đi thông truyền ý tứ của ông Chu: “Cha con muốn bữa cơm tất niên năm nay đại gia đình ta cùng ăn chung với nhau cho vui.”

Lâm Thanh Hoà gật đầu: “Dạ được mẹ, thế thì nhà nào nhà ấy tự chuẩn bị vài món rồi bưng qua gom chung lại thành một mâm.”

Bà Chu mừng lắm, liền đi thông báo cho ba nhà còn lại. Ôi dào, chỉ cần vợ thằng tư đồng ý là được, ba đứa con dâu kia chắc chắn không có vấn đề.

Tiểu Tô Thành với Tiểu Tô Tốn đã được Tô Đại Lâm đón lên huyện thành ăn tết. Nghe đâu năm nay lạnh, qua rằm công nhân mới phải đi làm lại cho nên 2 anh em tha hồ có nhiều thời gian ở bên cạnh cha mẹ.

Lâm Thanh Hoà bắt tay chuẩn bị cơm tất niên. Cô tính làm 5 món: khoai tây xào thịt heo, thịt heo hầm miến, xương sườn om nước tương, thịt kho tàu và một nồi canh xương ống củ cải.

Toàn là món ngon, quan trọng nhất là món nào cũng có thịt.

Ba nhà còn lại cũng rất phối hợp. Nhìn sơ qua một lượt, mâm cơm tất niên của Chu gia năm nay quá hoành tráng, sắc hương vị đủ cả.

Bởi vì dân số đông nên phải chia làm hai bàn.

Từ sau khi phân gia, đây là lần đầu tiên mọi người tề tựu lại ăn chung với nhau. Bởi vì ông Chu mới qua cơn bạo bệnh cho nên con cháu trong nhà liền đáp ứng nguyện vọng của ông để cho ông được vui vẻ.

Cơm tất niên tất nhiên không thể thiếu một màn tổng kết năm qua gặt hái được những gì, mỗi một gia đình đã tiến bộ ra sao.

Nhìn chung, nhà họ Chu càng ngày càng tốt, tốt nhất phải kể đến vợ chồng Chu Thanh Bách và Lâm Thanh Hoà. Có thể nói đây là một bước chuyển mình kỳ tích, vì trước giờ, dân làng chưa từng coi trọng vợ chồng anh, vậy mà đùng một cái đã trở thành gia đình gương mẫu, là tấm gương cho mọi người noi theo học tập.

Ba nhà còn lại cũng rất khá. Nhà anh chị cả, con cái đều đã trưởng thành, thời điểm nông nhàn sang năm Chu Đại Ni sẽ xuất giá về nhà chồng.

Thật ra nhà trai bên kia muốn ra giêng rước dâu luôn, nhưng chị cả Chu lưu luyến con gái, muốn ở cùng con lâu hơn một chút cho nên nấn ná tới cuối năm.

Nhà anh chị hai và anh chị ba cũng vậy, kinh tế đều ổn định cả. Điều này rất dễ hiểu, bởi anh hai và anh ba đều là những người chăm chỉ, siêng năng. Trong một gia đình, chồng chí thú làm ăn, vợ khéo léo vun vén quản gia, thì cuộc sống chỉ có ngày một tốt hơn chứ làm gì có chuyện kém đi được?!

Tóm lại một câu, chỉ cần đủ ăn và có tích luỹ, thế là được rồi.

Bữa cơm tất niên được diễn ra trong không khí vui vẻ và đầm ấm. Ăn xong, Lâm Thanh Hoà ngồi lại nói chuyện phiếm với mất chị em dâu.

Chị hai Chu sai con: “Tam Ni, dắt Lục Ni đi giúp các chị rửa chén bát đi.”

Chu Tam Ni vui vẻ đứng dậy đi ngay, còn Chu Lục Ni tất nhiên là không chịu rồi nhưng nó nào dám cãi lời mẹ nên đành hậm hực đi xuống bếp: “Đông như này rồi còn bắt người ta xuống đây làm gì không biết, phiền chết đi được.”

Chu Tam Ni không thèm đáp lời, nhưng Chu Ngũ Ni con gái chị ba Chu liền hừ lạnh: “Lúc ăn thì chẳng kém miếng nào, thịt, cá, trứng gà mày gắp lia lịa, tới bây giờ làm việc thì trốn trốn tránh tránh, tao khinh.”

Chu Lục Ni đâu phải dạng hiền, đốp lại ngay: “Chị cũng ăn chị còn nói ai, tôi thấy chị còn gắp nhiều hơn tôi ấy.”

Cái con Chu Lục Ni này đã lười như hủi lại còn đanh đá, Chu Tứ Ni con gái chị cả Chu bực quá đành phải lên tiếng: “Không cần tranh cãi nữa, mày là đứa ăn nhiều nhất bàn.”

Vừa rồi trên mâm cơm, tất cả mọi người đều chứng kiến cái bộ dáng ham ăn tục uống của Chu Lục Ni. Đúng là cả năm mới có một bữa ngon nhưng làm gì tới nỗi ăn lấy ăn để, ăn như quỷ đói đầu thai, ăn không còn biết chú ý tới người xung quanh, thật là mất mặt muốn chết!

Chu Lục Ni tức giận hét ầm lên: “Quá đáng! Cả đám hùa nhau bắt nạt một mình tôi!”

Nói xong liền xoay người chạy biến.

“Xì, lại kiếm cớ trốn việc.” Chũ Ngũ Ni bĩu môi nói với Chu Tam Ni: “Chị Tam Ni, chị đừng quản nó, tính tình như nó sau này còn lâu mới tìm được nhà chồng tốt.”

Chu Tam Ni lắc đầu: “Không quản nổi.”

Chỉ là việc trong nhà chưa bao giờ Chu Lục Ni động tay làm bất cứ cái gì, nó cứ ném đó, ai thích làm thì làm, không ai làm thì khi nào mẹ xuống công về mà làm. Chu Tam Ni chán chả buồn nói và cũng chả muốn tranh chấp cãi cọ với đứa em không chịu nói đạo lý này. Nếu hôm nào vui nó sẽ làm nhiều, hôm nào không vui thì làm ít lại, chả tội gì phải cố sức gánh cả việc cho người khác.

Cái đứa tâm cơ Chu Lục Ni đi rồi, bầu không khí thoải mái hơn hẳn. Mấy chị em mau chóng vui vẻ trở lại, vừa xúm xít rửa chén vừa nói cười rôm rả.

Trong lúc nói chuyện với mọi người, Lâm Thanh Hoà sai Đại Oa chạy về nhà lấy kẹo sữa sang chia cho đám nhỏ. Lễ Tết mà, có tí bánh tí kẹo cho tụi nhỏ nó mừng.

Tuy nhiên chắc chỉ một năm này thôi, nếu sang năm còn tổ chức, nhà cô xin phép không tham gia.

Đơn giản là trên bàn cơm, cô không thể nào chấp nhận nổi cái tướng ăn của con bé Chu Lục Ni, chướng mắt vô cùng mà mẹ nó ngồi đó không nhắc nhở lấy một câu.

Thôi thì năm nay cũng coi như thoả lòng ông Chu.

Trời tối, Lâm Thanh Hoà liền dắt các con về nhà trước.

Chu Thanh Bách hãn còn ở lại tụ hội với các anh trai. Khó khăn lắm cả năm mới có một ngày nhàn rỗi anh em ngồi lại bên nhau cho nên mãi tới hơn 10 gờ, Chu Thanh Bách mới về nhà.

Mặt mày hớn hở, đầu mày đuôi mắt đậm nét cười, không cần anh mở lời Lâm Thanh Hoà cũng nhìn ra anh đang rất vui vẻ.

Cô pha cho anh một ly mật ong ấm rồi giục anh lên giường nghỉ ngơi.

Chu Thanh Bách nhanh nhẹn dọn dẹp rồi leo lên giường đất, ôm chặt lấy vợ không buông tay, ghé sát vào tai thủ thỉ: “Vợ à….”